Phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ngày 10/4, ông Pompeo thừa nhận dù Nga và Mỹ đều có những lý lẽ riêng, song đã có một sự đồng thuận khá lớn giữa hai nước về START mới. Quan chức ngoại giao này khẳng định hiện Nga và Mỹ đang ở giai đoạn đầu của tiến trình đối thoại để gia hạn START mới.

Chia sẻ quan điểm với Tổng thống Donald Trump, ông Pompeo nêu rõ, START mới cần được nâng lên thành một thỏa thuận kiểm soát vũ khí vững chắc, phù hợp với tình hình thực tế trong và sau năm 2021.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh tính cần thiết nhằm bảo đảm sự tham gia của tất cả các nước liên quan đối với START mới. Dù ông Pompeo không miêu tả sự tham gia của Trung Quốc là một “điều kiện” để gia hạn START mới, song tuyên bố trên của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ được cho là nhằm ám chỉ tới việc kêu gọi Trung Quốc tham gia vào Hiệp ước này.

“Chúng ta cần bảo đảm về sự tham gia của tất cả các bên liên quan và xem đây là một yếu tố cấu thành nên bản Hiệp ước… Có thể chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu này. Cũng có thể rằng chúng ta sẽ chỉ giới hạn ở phạm vi phối hợp với Nga trong vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta đang nói về năng lực hạt nhân… điều đang đặt ra những thách thức cho nước Mỹ cùng với rất nhiều thay đổi” – ông Pompeo nói.

Cho tới nay, Nga đã tỏ rõ quan điểm cho rằng việc Mỹ cáo buộc nước này vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và rút khỏi thành tựu ngoại giao trong thời Chiến tranh Lạnh này là một diễn biến “gây bất lợi” cho tiến trình gia hạn START mới.

Dù còn tồn tại nhiều bất đồng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, song Nga và Mỹ đã theo đuổi một lập trường chung khi cùng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tham gia vào một cơ chế cắt giảm vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên Bắc Kinh đã tỏ rõ quan điểm phản đối ý tưởng này.

START mới được ký kết giữa Nga và Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2/2011. Hiệp ước này quy định, 7 năm sau khi Hiệp ước có hiệu lực (tức đến đầu năm 2018), mỗi bên tham gia không được triển khai quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược, không quá 1.550 đầu đạn trên các ICBM, SLBM và máy bay ném bom chiến lược đã được triển khai, cùng không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM và các thiết bị máy bay ném bom chiến lược. START mới cũng quy định các bên có nghĩa vụ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các thiết bị vận chuyển đầu đạn theo định kỳ 2 năm/lần.

 

START mới sẽ có duy trì hiệu lực trong 10 năm, tới 2021, trừ khi được thay thế bằng một thỏa thuận khác. Nếu được hai bên nhất trí, START mới có thể được gia hạn trong một khoảng thời gian không quá 5 năm - tới năm 2026. 


Thu Lan (Theo TASS, NHK, AFP/JIJI)