Ngày 20/2, trang CNBC (Mỹ) dẫn báo cáo của New World Wealth (công ty phân tích sự thịnh vượng trên toàn cầu) và Henley & Partners (công ty tư vấn về định cư và quốc tịch thông qua đầu tư) cho thấy Việt Nam sẽ có mức tăng mạnh nhất về sự thịnh vượng trong thập niên tới, khi củng cố được vị thế là trung tâm sản xuất toàn cầu.
Theo chuyên gia phân tích Andrew Amoils của New World Wealth, Việt Nam được dự báo sẽ tăng mức độ thịnh vượng 125% trong 10 năm tới. Đây sẽ là mức gia tăng tài sản lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào khi xét về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người và số lượng triệu phú.
Chuyên gia Amoils nhận định: “Việt Nam là trung tâm sản xuất ngày càng được ưa thích đối với các tập đoàn đa quốc gia về công nghệ, ôtô, điện tử, quần áo và dệt may. Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú USD và 58 cá nhân có tài sản trị giá hàng trăm triệu USD. Việt Nam cũng được coi là quốc gia an toàn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này giúp các công ty có thêm động lực để thiết lập các hoạt động sản xuất tại Việt Nam.”
Theo báo cáo của hãng tư vấn McKinsey, Việt Nam có “vị trí chiến lược,” chi phí lao động thấp, cùng với cơ sở hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa. Những yếu tố này đã biến Việt Nam thành một “điểm đến hàng đầu” cho đầu tư quốc tế.
Trong khi đó, ông Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng Đầu tư của VinaCapital Group, cho rằng: “Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và hầu hết người dân đều được hưởng lợi”./.
Nhà kinh tế tại công ty đa quốc gia về dịch vụ tài chính Citi (Mỹ) nhận định sau khi đóng băng vào đầu năm 2023, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã phục hồi vào nửa cuối năm.