Thời gian qua, các cơ quan chức năng trong đó có lực lượng Cảnh sát Biển đã tăng cường đấu tranh, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc mua bán xăng, dầu trái phép trên biển. Tuy nhiên, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép xăng, dầu trên biển vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 quản lý vùng biển từ Cù Lao Xanh (Bình Định) đến bờ Bắc cửa Định An (Trà Vinh) bao gồm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam.
Phạm vi vùng biển rất rộng, có nhiều cảng biển, luồng hàng hải, đồng thời là ngư trường đánh bắt hải sản rộng lớn, các đối tượng đã lợi dụng để mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu.
Thông tin từ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 cho biết, từ ngày 16/12/2019 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 đã điều tra, xử lý 5 vụ có hành vi vi phạm mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển; xử phạt vi phạm hành chính số tiền 460 triệu đồng, tịch thu 143.178 lít dầu DO, gần 69 triệu đồng tiền mặt, phát mại hàng hóa tịch thu sung công quỹ gần 1,3 tỷ đồng. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 đang tiến hành điều tra, xử lý 3 vụ với 3 tàu có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển.
Tuy vậy, tình hình mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động đối phó với cơ quan chức năng để thực hiện hành vi vi phạm, sẵn sàng bỏ chạy hoặc chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.
[Phát hiện, xử phạt hành vi bán dầu trái phép trên biển Nghệ An]
Địa bàn hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu của các đối tượng thường diễn ra ở vùng biển thềm lục địa phía Nam, đặc biệt là khu vực giáp ranh với các nước Indonesia, Malaysia.
Điều kiện khí hậu, thời tiết trên các vùng biển đó khắc nghiệt, có vùng biển chưa được phân định rõ ràng, lực lượng tuần tra, kiểm soát mỏng, hầu hết các phương tiện vi phạm điều có trang bị radar, định vị hiện đại để phát hiện lực lượng chức năng từ xa. Khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng tìm cách chạy sang vùng biển nước ngoài để trốn tránh.
Trong đất liền, các đối tượng tổ chức chỉ đạo chặt chẽ hoạt động kinh doanh trái phép ở ngoài khơi, che giấu triệt để nguồn thông tin liên lạc, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, tạo vỏ bọc kinh doanh hoặc vận chuyển thuê xăng, dầu nhằm che giấu hoạt động kinh doanh trái phép.
Thượng tá Nguyễn Phùng Hưng, Phó Tư lệnh Pháp luật Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 cho biết, nguyên nhân chính là do sự chênh lệch lớn về giá dầu DO giữa đất liền và hàng mua trôi nổi trên biển, đồng thời vùng biển phía Nam là ngư trường đánh bắt hải sản lớn của các ngư dân.
Các tàu cá mua dầu ngoài biển sẽ tiết kiệm chi phí đi lại để vào bờ hoặc vào bờ gần nhất để mua dầu, đỡ mất thời gian đánh bắt trên biển (chỉ tính riêng vùng biển Tây Nam Côn Đảo đã có gần 10.000 chiếc tàu cá công suất từ 300 CV trở lên đánh bắt tại đây).
Hoạt động mua bán xăng, dầu trái phép trên biển đã gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của đất nước.
Thượng tá Nguyễn Phùng Hưng cho biết thêm, qua theo dõi, đánh giá tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển, đa phần các đối tượng buôn bán xăng, dầu trên biển thường cung cấp dầu cho các tàu cá.
Đối tượng vi phạm tập trung nhiều vào chủ tàu vận tải xăng, dầu nước ngoài sang mạn cho các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá hoặc tàu cá cải hoán của ngư dân Việt Nam để chở dầu.
Trong thời gian qua, lực lượng nghiệp vụ, pháp luật của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức nắm tình hình, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm, tội phạm trên vùng biển đơn vị quản lý.
Điển hình, vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 19/5, lực lượng chấp pháp của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính tàu MT.Siamvarich, quốc tịch Mông Cổ do ông Phirom Sukpheng (sinh năm 1963, quốc tịch Thái Lan) làm thuyền trưởng.
Tàu có 11 thuyền viên (trong đó 2 thuyền viên quốc tịch Thái Lan, 9 thuyền viên quốc tịch Campuchia), các thuyền viên không có đầy đủ bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Khi lực lượng chức năng kiểm tra tàu, tàu vận chuyển khoảng 1.700 mét khối dầu DO. Thuyền trưởng không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định.
Qua công tác đấu tranh lấy lời khai của thuyền trưởng và các thuyền viên, số dầu DO trên tàu được lấy từ một tàu khác trên vùng biển Campuchia, sau đó theo lệnh của chủ hàng số dầu trên được chuyển đến để cung cấp cho các ghe cá của Việt Nam trên vùng biển Việt Nam.
Khi đang cập mạn cấp hàng cho ghe cá, thuyền trưởng phát hiện tàu của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam phát hiện, bắt giữ. Thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu cho biết họ nhận lệnh chuyển hàng trên vô tuyến điện.
Qua theo dõi, đánh giá tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép xăng, dầu trên biển lực lượng Cảnh sát Biển đánh giá hoạt động vi phạm của các đối tượng sẽ còn diễn biến phức tạp.
Do vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ chấp pháp trên biển, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu cơ chế tăng chế tài xử phạt các đối tượng vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại trên biển để đảm bảo tính răn đe, sự nghiêm minh của pháp luật.
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 kiến nghị Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, quản lý chặt chẽ hành trình của phương tiện và việc sử dụng nhiên liệu khai thác trên biển.
Việc quản lý cần tăng cường thông qua hệ thống kỹ thuật, tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm. Song song đó, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu cơ chế để tăng nguồn kinh phí cho hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên biển./.
Huỳnh Sơn (TTXVN/Vietnam+)