Ngày 9/11, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận dỡ bỏ lệnh cấm nhà thầu quân sự nước này vào Ukraine để sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí, khí tài do Mỹ cung cấp cho quốc gia này.
Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn TASS, một người phát ngôn Lầu Năm góc nêu rõ quyết định trên đã cân nhắc tới tất cả những rủi ro liên quan. Theo đó, một số ít nhà thầu Mỹ được phép tới Ukraine, được triển khai cách xa khu vực xung đột và không tham gia chiến đấu.
Người phát ngôn này cho biết việc bảo dưỡng một số vũ khí, khí tài Mỹ đã hoặc sẽ cung cấp cho Ukraine như các máy bay chiến đấu F-16 và hệ thống phòng thủ Patriot cần tới những chuyên môn cụ thể.
Những nhà thầu, tổ chức và công ty Mỹ tham gia phải chịu trách nhiệm về sự an toàn, an ninh của các nhân viên, phải có phương án giảm thiểu rủi ro trong các kế hoạch chào thầu của mình.
Đại diện Lầu Năm góc cho biết hiện có nhiều công ty Mỹ có nhân viên tại Ukraine thực hiện các hợp đồng với chính quyền Kiev nên quyết định mới này sẽ không dẫn đến việc tăng đáng kể số nhân viên Mỹ làm việc tại Ukraine.
Động thái mới của Bộ Quốc phòng Mỹ đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chính sách với Ukraine trong những tháng cuối cùng của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát hồi năm 2022, Washington đã cung cấp cho Kiev số vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD.
Trước khi lệnh cấm được dỡ bỏ, việc sửa chữa, bảo dưỡng các vũ khí này được tiến hành ở nước ngoài hoặc qua hình thức trao đổi trực tuyến, gây chậm trễ trong quá trình sửa chữa cũng như gặp khó khăn khi xử lý các vũ khí, hệ thống tinh vi./.
Mỹ thông báo sẽ cung cấp thêm gói viện trợ quân sự trị giá 425 triệu USD, được rút từ kho dự trữ của quân đội Mỹ, để đáp ứng các yêu cầu cấp bách trên chiến trường của Ukraine.