Một số kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW “về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh 

Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của BCH Trung ương đảng (khoá IX)“Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tạo được sự chuyển biến tích cực, góp phần tăng cường mở rộng dân chủ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; giải quyết có hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong nội bộ Nhân dân; củng cố giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Để cụ thể hoá việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW "Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc", Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV, XV đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến công tác vận động quần chúng và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những chủ trương quan trọng có tầm chiến lược như: Nghị quyết về đẩy mạnh đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế hành lang kinh tế Đông - Tây, về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2015. Riêng năm 2017, Tỉnh uỷ đã ban hành 2 nghị quyết: Nghị quyết về đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết về đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Trị trong hội nhấp kinh tế khu vực và quốc tế trong tình hình mới. Sơ kết, tổng kết các nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo, thực hiện QCDC ở cơ sở...Định kỳ hàng năm Ban Thường vụ Tỉnh uỷ làm việc với BTV các huyện, thị, thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc và các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chỉ đạo kịp thời trong nhận thức và trách nhiệm về công tác vận động quần chúng.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo việc triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết TW 6 (lần 2) khoá VIII “về đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn ngừa, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, lãng phí”; Chỉ thị 03-CT/TW (nay Chỉ thị số 05-CT/TW) của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Nghị quyết 25-NQ/TW khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đảng viên, tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.

Quan tâm chăm lo việc xây dựng quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, bố trí cán bộ, kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ hệ thống Dân vận từ tỉnh đến cơ sở, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động ở 141 khối dân vận xã, phường, thị trấn, thành lập 1.136 tổ dân vận thôn, bản, khu phố trong tỉnh; tập trung chỉ đạo thành công đại hội nhiệm kỳ của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và Hội quần chúng; lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các lực lượng vũ trang, các cấp, các ngành trong vận động Nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

          Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp đã tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Đẩy mạnh việc thực hiện QCDC ở cơ sở; cải cách hành chính; thực hiện chế độ tiếp dân định kỳ, chủ động giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân ngay từ cơ sở và tập trung giải quyết nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Vai trò, trách nhiệm các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp được thể hiện rõ thông qua việc tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh; bám sát từng địa bàn, lĩnh vực, khu dân cư để tổ chức động viên, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật; phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Thông qua việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương triển khai đã được Nhân dân tham gia góp ý, xây dựng; đồng thời thông qua việc tham gia xây dựng chính quyền để Nhân dân thực hiện cơ chế giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của chính quyền các cấp. Thực hiện Quyết định số 181/TTg, cơ chế "một cửa” đã triển khai ở các cấp chính quyền, nhất là trên các lĩnh vực đất đai, hộ tịch, chứng thực, đăng ký kinh doanh, chính sách xã hội có những chuyển biến cơ bản...góp phần hạn chế những thủ tục phiền hà, đáp ứng quyền lợi chính đáng của người dân.

UBND các cấp tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh gắn với công tác Dân vận chính quyền nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XIV, XV, XVI và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”, Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 28/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. Chú trọng xây dựng và rèn luyện đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức; thực hiện tác phong "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân". Nhờ vậy, chính quyền các cấp đề ra được các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia nhiều phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đề ra.

Phát huy vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, Uỷ ban Mặt trận các cấp đã tập hợp các giai cấp, tầng lớp, các tôn giáo, dân tộc, nhân sỹ trí thức...tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, cuộc vận động, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; chú trọng phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống cho Nhân dân, tập trung hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo; phối hợp thực hiện chương trình “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Xoá nhà ở dột nát, tạm bợ cho hộ nghèo”, đạt hiệu quả thiết thực.

Thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”, với quan điểm đa dạng hoá các hình thức tổ chức tập hợp Nhân dân, hệ thống MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động theo hướng coi trọng chăm lo lợi ích của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động cơ bản đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên; hướng về cơ sở, cùng với Đảng, chính quyền thực hiện các mô hình "Dân vận khéo", phát huy hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động. Vận động Nhân dân tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời phản ánh kịp thời ý kiến của quần chúng nhân dân với Đảng và chính quyền; chủ động tham gia hoà giải các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Tổ chức hiệp thương và vận động cử tri bầu đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; thực hiện tốt các cuộc tiếp xúc cử tri để phản ảnh nguyện vọng của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền; tích cực vận động đoàn viên, hội viên phát huy dân chủ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đóng góp ý kiến tham gia xây dựng và thực hiện pháp luật, duy trì các hoạt động, các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động đạt hiệu quả trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.

Tích cực thực hiện chức năng giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Tổ chức tập hợp động viên đoàn viên, hội viên và Nhân dân tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế trên từng địa bàn, đặc biệt triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các loại hình HTX và các doanh nghiệp tư nhân, kinh tế hộ phát triển; tập trung xây dựng, củng cố, đổi mới hoạt động HTX nông nghiệp, coi đó là chỗ dựa và sự hợp tác mạnh mẽ giữa kinh tế tập thể và hộ nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hoá bền vững, ngày càng có chất lượng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 291 HTX, 2.668 tổ hợp tác. Nhìn chung, hoạt động của các HTX, tổ hợp tác từng bước ổn định và hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho thành viên; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Trên lĩnh vực Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tỉnh đã tập trung chỉ đạo các vùng trọng điểm như Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và một số cụm công nghiệp làng nghề khác. Thương mại - dịch vụ có bước chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng của ngành năm 2017 đạt 7,1%, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 25.000 tỷ đồng.

Các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ đẩy mạnh chương trình xoá đói giảm nghèo; coi trọng việc phổ biến kiến thức trong sản xuất, đề cao ý thức tự vươn lên của hộ nghèo, khuyến khích Nhân dân làm giàu chính đáng, đến  năm 2017, hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 11,72%; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 36%, tạo việc làm mới cho 10.500 lao động.

Lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ được chú trọng đầu tư; trình độ của người dân ngày càng được cải thiện nâng cao; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được tập trung chỉ đạo, nhiều lễ hội văn hoá truyền thống được tổ chức như: Lễ hội “Thống nhất non sông”, Lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á”...; các thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng. Công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân tiếp tục tăng cường, chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được đẩy mạnh, phong trào xây dựng xã hội học tập, công tác khuyến học, khuyến tài được duy trì, phát triển thường xuyên và đạt hiệu quả tích cực. Thủy Phương

7528 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 347
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 347
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87650868