Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 8 

(ĐCSVN) - Xe kinh doanh vận tải phải đổi biển màu vàng; Cảnh sát giao thông chỉ được dừng phương tiện trong 4 trường hợp; nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình… là chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8. Xe kinh doanh vận tải phải đổi biển màu vàng
Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 8

Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ 1/8/2020, đến 31/12/2021 tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải (trong đó có xe taxi công nghệ) đều phải đổi biển từ nền trắng chữ và số đen hiện nay sang nền màu vàng, chữ và số màu đen.

Khi đổi, tài xế có thể được giữ số cũ, không cần mang xe trực tiếp đến và không phải cà số khung, số máy, chỉ cần mang theo giấy đăng ký, thẻ căn cước và biển số. Việc đổi biển diễn ra trong ngày.

Ảnh minh hoạ: Nguồn: vnexpress.vn 

Cũng theo thông tư này, từ ngày 1/8 đến 31/12/2021, người dân, tổ chức có ôtô, xe máy mua qua nhiều đời chủ, thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển nhượng cũng được sang tên, đổi chủ.

Sinh viên, học sinh ngoại tỉnh không được đăng ký xe biển Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khi mua xe từ ngày 1/8.

Chỉ 4 trường hợp CSGT được dừng phương tiện

Có hiệu lực từ ngày 5/8/2020, Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát giao thông (CSGT) quy định chỉ còn 04 trường hợp CSGT được dừng phương tiện. Cụ thể, gồm:

- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm khác. 

- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm…

Thực hiện nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình

Tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Chính phủ quy định: Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo thực hiện từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030, chia làm 2 giai đoạn.

Cụ thể, đối với giáo viên mầm non: Giai đoạn 1: Từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm; Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên mầm non hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

 Cô giáo mầm non đang dạy học. Ảnh: TH.

Đối với giáo viên tiểu học: Giai đoạn 1: Từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 50% số giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân; Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên tiểu học hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

Đối với giáo viên trung học cơ sở: Giai đoạn 1: Từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân; Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên trung học cơ sở hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giữa các địa phương với cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở kế hoạch thực hiện hàng năm của các địa phương.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 18/8/2020.

Gia đình quân nhân dự bị được trợ cấp đến 240.000 đồng/ngày

Nghị định 79/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành đã quy định chế độ, chính sách trong xây dựng huy động lực lượng dự bị động viên. 

Nghị định này quy định phụ cấp đối với quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên; phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên; phụ cấp theo ngày làm việc; chế độ khám bệnh, chữa bệnh; chế độ trợ cấp tai nạn, trợ cấp chết do tai nạn hoặc chết do ốm đau, tai nạn rủi ro; trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị; chế độ, chính sách đối với học viên đào tạo sĩ quan dự bị; chế độ viếng sĩ quan dự bị từ trần.

Ngoài quân nhân dự bị thì gia đình của họ cũng được hưởng trợ cấp, cụ thể:

- 160.000 đồng/ngày đối với gia đình quân nhân dự bị thuộc diện lao động, học tập, làm việc trong các cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

- 240.000 đồng/ngày đối với gia đình quân nhân dự bị không thuộc các đối tượng trên.

Đáng chú ý, nếu quân nhân dự bị ốm đau, tai nạn đi khám bệnh, chữa bệnh thì gia đình được hưởng trợ cấp nhưng không vượt quá thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 21/8/2020./.

 
Thu Hằng
543 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 842
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 842
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87011514