Không thi hành án tử hình với người từ 75 tuổi trở lên
Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực. Bộ luật Hình sự bãi bỏ hình phạt tử hình với 8 tội, bỏ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” thay thế bằng 9 tội danh mới.
Bộ luật bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Mở rộng thêm 2 trường hợp không thi hành án tử hình, gồm: người từ đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và lập công lớn. Trong trường hợp này sẽ chuyển thành hình phạt tù chung thân. Tăng hình phạt tiền, giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp.
Ngoài Bộ luật này, từ tháng 1/2018, nhiều Luật khác cũng có hiệu lực như Bộ Luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Du lịch.
Lương tối thiểu vùng tăng
Nghị định số 141/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2018 như sau: Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng; vùng II: 3.530.000 đồng/tháng; vùng III: 3.090.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 180.000-230.000 đồng/tháng.
Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh.
Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
Tăng lương tối thiểu vùng. (Ảnh minh họa. Nguồn: TL).
Tiền sử dụng đất được miễn giảm
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, Nghị định số 123/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất và Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước quy định rõ các trường bổ sung quy định, tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có thu tiền sử dụng đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định cho phép miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014 khi chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ngày 1/7/2014 trở về sau sẽ xử lý như sau:
Đối với trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Trường hợp số tiền sử dụng đất đã được miễn, giảm không tính vào giá chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng tiếp tục thực hiện dự án, người nhận chuyển nhượng tiếp tục được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đầu tư cho thời gian còn lại của dự án.
Trường hợp người nhận chuyển nhượng không tiếp tục thực hiện dự án phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định đối với dự án sau chuyển nhượng. Trường hợp người chuyển nhượng đã thực hiện một phần nghĩa vụ tài chính về đất đai, người nhận chuyển nhượng được kế thừa phần nghĩa vụ mà người chuyển nhượng đã nộp.
Đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người chuyển nhượng phải nộp đủ số tiền đã được miễn, giảm vào ngân sách Nhà nước theo giá đất tại thời điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Quản lý chặt chẽ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam
Nghị định số 121/2017/NĐ-CP ngày 6/11/2017 quy định xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực từ 1/1/2018.
Nghị định này quy định về xây dựng, thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.
Tiết lộ thông tin báo cáo về điều tra hình sự thuộc phạm vi bí mật nhà nước có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Nghị định 128/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 quy định chế độ báo cáo về điều tra hình sự có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Nghị định này quy định về nguyên tắc thực hiện chế độ báo cáo, nội dung, hình thức báo cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện chế độ báo cáo về điều tra hình sự.
Báo cáo phải được thực hiện bằng văn bản, có chữ ký, họ tên của người có thẩm quyền ký báo cáo, đóng dấu phát hành theo quy định kèm theo tệp dữ liệu điện tử. Báo cáo định kỳ gồm: 03 tháng, 06 tháng, 09 tháng và báo cáo năm.
Báo cáo được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau: Gửi bằng đường bưu điện; Gửi trực tiếp; Gửi qua fax; Gửi qua hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu điều tra hình sự dưới dạng file ảnh (định dạng PDF) hoặc file dữ liệu điện tử có chữ ký số.
Người nào không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ báo cáo hoặc cố ý báo cáo sai hoặc tiết lộ thông tin trong các báo cáo về điều tra hình sự thuộc phạm vi bí mật nhà nước thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng
Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng; trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300 triệu đồng.
Mức phạt tiền quy định tại nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/01/2018.
Ưu tiên tuyển dụng sinh viên xuất sắc
Có hiệu lực từ ngày 20-1-2018, Nghị định 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ quy định: Cơ quan Nhà nước ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, đáp ứng các tiêu chuẩn như: Đạt giải ba trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải khuyến khích trở lên trong kì thi học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế trong thời gian học cấp THPT; Đạt giải ba trở lên tại cuộc thi Olympic thuộc một trong các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học…
Việc tuyển dụng được thực hiện thông qua hình thức xét kết quả học tập và nghiên cứu; Phỏng vấn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Sau khi được tuyển dụng, sinh viên tốt nghiệp phải tập sự trong ít nhất là 3 tháng và không quá 12 tháng. Trong thời gian tập sự, sinh viên được hưởng 100% mức lương và phụ cấp tăng thêm. Mức lương đối với sinh viên dao động từ hệ số lương 2,34 đến 3,00. Phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương theo hệ số hiện hưởng./.
Thu Hằng