Mới đây, công ty dịch vụ tài chính Thụy Sĩ UBS đã công bố Báo cáo Tài sản Toàn cầu năm 2024, trong đó dự báo khoảng 30% số người được coi là triệu phú trên thế giới sẽ đến từ các thị trường mới nổi vào năm 2028.
Theo báo cáo, số lượng triệu phú sẽ tăng ở 52 trong số 56 thị trường được phân tích, vốn không giới hạn ở các nước phát triển.
Năm 2023, số triệu phú chiếm 1,5% dân số trưởng thành, trong đó Mỹ dẫn đầu với gần 22 triệu người, tương đương 38% tổng số. Trung Quốc theo sau với chỉ hơn 6 triệu, trong khi Vương quốc Anh đứng ở vị trí thứ ba.
Báo cáo nhấn mạnh sự tăng trưởng liên tục và ổn định về tài sản toàn cầu kể từ năm 2008, bất chấp suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính.
Cụ thể, mức độ giàu có trên toàn cầu đã tăng 4,2% vào năm 2023, trái ngược với mức giảm 3% trong năm 2022.
Đáng chú ý, những cá nhân có tài sản từ 10.000-100.000 USD đã tăng hơn gấp đôi, thậm chí những người sở hữu tài sản vượt quá 1 triệu USD cũng đã cao hơn gấp ba lần.
Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh và mạnh nhất. Trong khi đó, ở châu Mỹ Latinh, mặc dù tăng trưởng mạnh mẽ, song khu vực này vẫn phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng.
Tài sản trung bình của mỗi người trưởng thành ở Brazil đã tăng hơn 375% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cao hơn gấp đôi mức tăng trưởng hơn 150% của Mexico và cao hơn mức 366% của Trung Quốc.
Ở phân khúc thị trường cá nhân, Thụy Sĩ tiếp tục đứng đầu danh sách về mức độ giàu có tính theo bình quân đầu người trưởng thành, tiếp theo là Luxembourg, Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ./.
Các cựu lãnh đạo thế giới cho rằng việc G20 đưa ra được một thỏa thuận toàn cầu về đánh thuế những người siêu giàu sẽ là một cú hích lớn đối với chủ nghĩa đa phương.