Theo ITU, chỉ có 38% số quốc gia đã công bố chiến lược an ninh mạng và có thêm 12% quốc gia đang trên tiến trình phát triển chiến lược này.

Tổ chức này nhấn mạnh rằng, cần phải tăng cường nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực quan trọng này, đặc biệt là khi các chính phủ coi những rủi ro về kĩ thuật là ưu tiên cao.

Báo cáo của ITU cũng nêu rõ, an ninh mạng là một hệ sinh thái, nơi mà các điều luật, tổ chức, kỹ năng, sự hợp tác và quá trình thực thi kỹ thuật cần phải được đồng bộ hóa để phát huy hiệu quả cao nhất.

Báo cáo  nói thêm rằng, an ninh mạng đang ngày càng nhận được sự quan tâm của giới hoạch định chính sách các quốc gia.

ITU đã đưa ra danh sách 10 quốc gia có cam kết mạnh mẽ trong vấn đề này, bao gồm 3 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, 2 quốc gia châu Phi và châu Mỹ,  3 quốc gia lần lượt đến từ châu Phi, Các nước Arab và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập. Các quốc gia này bao gồm: Singapore, Mỹ, Malaysia, Oman, Estonia, Mauritius, Australia, Georgia, Pháp, Canada.

Thống kê của ITU cho thấy, mối đe dọa an ninh mạng đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2016, với việc gần 1% tổng số thư điện tử trên toàn cầu bị virus độc hại tấn công - tỷ lệ cao nhất trong vài năm gần đây.

Gần đây nhất, ngày 5/7, cảnh sát Ukraine đã ngăn chặn thành công vụ tấn công mạng thứ hai sau vụ phát tán mã độc qua hệ thống máy tính hôm 27/6 nhằm vào nước này.

Ngày 27/6, hàng loạt máy tính của Chính phủ Ukraine, Ngân hàng Privatbank, hệ thống siêu thị khổng lồ Auchan và sân bay Boryspol lớn nhất Ukraine đã bị dính mã độc. Ngoài các tổ chức bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Nga và Ukraine, mã độc cũng gây ra các cuộc tấn công khác ở Ba Lan, Italy, Anh, Đức, Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác./.

Kiều Giang (theo UN)