Một giờ với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy 

Nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018, “Nhà báo và Quê hương” có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Hùng- Ủy viên Trung ương Đảng- Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị về những dấu ấn tươi mới trong năm qua cũng như định hướng phát triển của Quảng Trị những năm đến.

NHIỀU NÉT MỚI, ĐIỂM NHẤN

Ngày 6/4/2017, nói chuyện trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Trị vào thời điểm sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đội hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, gần đây Quảng Trị đã phát triển mạnh mẽ, tươi đẹp hơn nhiều. Thưa đồng chí,  tỉnh Quảng Trị đã làm gì để được tươi đẹp như thế?

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng: Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (2015-2020), Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiêm túc nhìn nhận, định vị lại vị trí Quảng Trị trong mối quan hệ với các tỉnh, thành khu vực Bắc Trung bộ và cả nước, nhận diện rõ hơn tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội; phát hiện và nhận thức sâu sắc hơn về những khó khăn, thách thức; mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, yếu kém thực tại của tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương; từ đó xác định mục tiêu và định hướng phát triển, đề ra những nội dung công việc, đầu việc trọng tâm, cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện với nhiều biện pháp, giải pháp căn cơ.

Với quan điểm phát triển trong điều kiện nội lực yếu, cần phải có những bước đi hợp lý, vững chắc kết hợp với ngoại lực để tạo lên một tổng lực phát triển bền vững. Luận giải một cách thấu đáo giữa mong muốn – hy vọng và hiện thực, để tạo đồng thuận trong nhận thức nhằm ủng hộ, tháo gỡ rào cản, khó khăn bền lòng “xây tổ” để đón “đại bàng”- nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược. Năm 2016 xác định chủ đề năm là ”Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chỉ đạo đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, tích cực làm việc với các bộ ngành Trung ương, các địa phương, các nhà đầu tư chiến lược để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ, kêu gọi, xúc tiến đầu tư, nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Năm 2017, tiếp tục thực hiện chủ đề: cải cách hành chính – cải thiện môi trường đầu tư – năm cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã tham mưu và kiến nghị nhiều chủ trương, chính sách với Trung ương để hỗ trợ Quảng Trị phát triển. Chính điều đó, trong năm 2017 tỉnh Quảng Trị được đón các Đoàn công tác cao cấp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn ông tác của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và 13 đoàn lãnh đạo cao cấp khác của các Ban Đảng, Bộ, Ngành Trung ương. Qua các buổi làm việc, các đoàn phân tích, gợi mở cho Quảng Trị nhiều hướng phát triển phù hợp với xu thế thời đại. Trên tinh thần đó cùng với sự chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp đã mở ra nhiều hướng đi mới, biến khó khăn thành lợi thế để phát triển kinh tế với những triển vọng như phát triển điện gió, chế biến gỗ, dệt may... Khu kinh tế Đông Nam mặc dù mới khởi động nhưng các doanh nghiệp đã nộp ngân sách được hơn 300 tỷ đồng. Thu hút đầu tư chiến lược, tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các dự án bên ngoài đạt kết quả tốt, vốn ODA đạt 69 triệu USD. Năm 2017, các tổ chức NGO đã cam kết hỗ trợ cho Quảng Trị 29 triệu USD, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.

Nhờ vậy, mà năm 2017, tỉnh Quảng Trị có 22/22 chỉ tiêu kinh tế- xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng kinh tế tăng 7,02% so với năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, tăng 7,8% so với năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 11,5%. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến cuối năm 2017 có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 40 xã (KH 37 xã).

Tuy nhiên, Quảng Trị có hơn 70 % dân số sống ở nông thôn. Mặc dù chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp- thương mại- dịch vụ thì nông nghiệp vẫn chiếm thế chủ đạo, thưa đồng chí?

Trong giai đoạn hiện nay của Quảng Trị nông nghiệp vẫn là mặt trận chính.Tỉnh ủy- HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới để tiếp tục cụ thể hóa, chi tiết hóa những chủ trương, chính sách của Đảng trong phát triển ngành nông nghiệp. Trong đó xác định bộ sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh là “sáu cây, hai con” cho giai đoạn 2017-2010 có định hướng đến 2025( gồm hồ tiêu, cà phê chè, cao su, gỗ nguyên liệu, cây dược liệu, cây lúa và con bò, con tôm ). Gắn liền với chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và thị trường phân phối tiêu thụ.

Dấu ấn rõ nét nhất trong thành công của những năm sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 là sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Xin đồng chí cho biết đâu là điểm nhấn, điểm mới trong công tác này?

Những năm qua công tác xây dựng Đảng không ngừng được tăng cường. Cùng với việc quán triệt thực hiện các Nghị quyết của Trung ương,Tỉnh ủy có nhiều đề án, nhiều nét mới, điểm nhấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Trước hết là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 mà điểm nhấn là tổ chức diễn đàn : Vai trò chi bộ trong công tác xây Đảng, quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên chống các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Hoàn chỉnh công tác quy hoạch đánh giá cán bộ đầu nhiệm kỳ trình Trung ương theo hướng mở và động. Chú trọng phát triển Đảng trong các doanh nghiệp gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế tư nhân. Tập trung cải cách hành chính trong Đảng, ban hành quy định đối thoại cán bộ, đảng viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức ký cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ và bí thư cấp ủy các huyện, thị, thành uỷ với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa theo kịp nhiệm vụ, lực lượng cán bộ chất lượng cao còn hụt hẫng, nội lực kinh tế thấp…Nếu khắc phục được những vần đề này thì hình ảnh Quảng Trị còn tươi sáng hơn nữa.

ĐẶT HÀNG CHO CÁC DOANH NGHIỆP

Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy,sản xuất nông nghiệp theo truyền thống khó đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Tỉnh Quảng Trị phải làm gì để phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại?

Do đặc điểm về tự nhiên và và vị trí địa lý nên Quảng Trị thường xuyên bị thiên tai, bão lũ tàn phá và gây nhiều thiệt hại. Để phát triển nông nghiệp thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, Tỉnh ủy, HDND tỉnh đã có đề án tập trung tái cơ cấu nông nghiệp bền vững.

UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Nông Nghiệp-PTNT phối hợp với Sở Tài nguyên- Môi trường rà soát lại quy hoạch đất đai, thực hiện quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Phân tích bản đồ thổ nhưỡng trên toàn tỉnh, đánh giá được sự thích nghi của từng loại cây trồng, con nuôi gắn với biến đổi khí hậu để có quy hoạch sát, phù hợp, hiệu quả hơn. Về chăn nuôi, ngoài nuôi bò thì xác định nuôi tôm là một thế mạnh của tỉnh. Tỉnh đã thành lập đoàn công tác vào Sóc Trăng học tập mô hình nuôi tôm cho giá trị cao.

Trong phát triển cây trồng, con nuôi, tỉnh chủ trương khuyến khích doanh nghiệp ngoại hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho doanh nghiệp nội. Lãnh đạo tỉnh đã đặt hàng các các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản và các doanh nghiệp trong nước khi đến đầu tư tại tỉnh. Chấp nhận cho triển khai các mô hình trồng rau công nghệ cao, rau hữu cơ, lúa hữu cơ, cây ăn quả hữu cơ tại Khe Sanh, Lao Bảo, Hải Lăng, Triệu Phong theo hưỡng dẫn dắt nông dân và liên kết để tạo chuỗi giá trị… chú trọng xác lập thương hiệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Phải đi lên từ lợi thế cạnh tranh của mình đang có là tài nguyên đất đai. Thực hiện chủ trương người dân góp đất, liên doanh, liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Đào tạo nông dân nông nghiệp bài bản để từng bước tiếp  cận tri thức của nền nông nghiệp hiện đại mà các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao.

Với cây cao su, sau bão số 10 năm 2017 đã gây gãy đổ nhiều diện tích.Trước tình hình này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo rà soát lại quy hoạch, trong khi chưa tìm ra được cây trồng thay thế có giá trị cao hơn cây cao su thì vẫn ổn định diện tích cao su đang có, không mở rộng diện tích trồng cao su và không tiếp tục trồng mới vùng phía Đông, gần biển.Những diện tích cao su già cỗi thì khai thác, trồng mới bằng các giống chống chịu với thời tiết, khí hậu miền Trung.

Trong nông nghiệp thì lâm nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn. Theo đồng chí , Quảng Trị có những bước đi nào để nâng cao giá trị của nội ngành lâm nghiệp?

Phải chú trọng tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp.Tỉnh Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên hơn 473 ngàn ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp, kể cả diện tích có rừng chiếm gần 300 ngàn ha. Nội ngành lâm nghiệp đã giải quyết việc làm thông qua trồng rừng, chế biến gỗ, tăng thu nhập giúp hàng ngàn hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ trồng rừng. Vì vậy, lâm nghiệp chiếm một vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế Quảng Trị. Tuy nhiên, trước đây ngành lâm nghiệp chỉ có khối lượng sản phẩm gỗ thô từ khai thác rừng tự nhiên, rừng trồng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao.

Lần này, tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp được xác định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từng bước thay đổi toàn diện kết cấu của ngành theo hướng hội nhập, phát triển sâu rộng trên thị trường quốc tế. Phải phân tích được lợi thế cạnh tranh và phân khúc thị trường tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp từ thị trường nội địa với những quốc gia, khu vực đang sản xuất cùng một hàng hóa như mình. Quyết liệt hơn nữa việc ứng dụng khoa học- công nghệ(KHCN) vào sản xuất.Những thay đổi về quản lý, KHCN và mở cửa thị trường cần tiến hành ngay bằng việc làm cụ thể. Với KHCN cần tạo ra tập đoàn giống cây trồng có chất lượng cao phục vụ trồng rừng gỗ lớn, năng suất hơn 200 m3 gỗ/ha, như các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Thay đổi về tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ sang liên kết phát triển trồng rừng FSC có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập hơn nữa cho người dân sống bằng nghề rừng.

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VỚI HAI TRỤ CỘT

Theo đồng chí, để phát triển kinh tế Quảng Trị lên một tầm cao mới cần dựa vào những yếu tố nào làm nền tảng?

Đó là phát triển phải chú ý đến yếu tố bền vững dựa trên hai trụ cột: cội nguồn truyền thống văn hóa và kinh tế- môi trường. Tập trung phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế. Chính phủ cũng đã khuyến khích tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững. Nhưng làm thế nào để sự phát triển mang lại lợi ích cho người dân, tăng trưởng kinh tế mà  hạn chế sự phân hóa giàu nghèo, bất ổn xã hội, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và hủy hoại môi trường, tính đến lợi ích cho các thế hệ sau, đó là điều quan tâm nhất.

Tôi luôn trăn trở, thời gian qua người nông dân đã được giúp những gì? Bà con cần giúp gì để phát triển hơn nữa? Câu hỏi đó luôn nhắc tôi và nhiều đồng chí lãnh đạo khác và câu trả lời cho thời gian đến là: Chúng ta đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư xuất hiện những robot với chi phí làm việc mỗi giờ thấp hơn 1/3 so với giá nhân công hiện tại. Điều này sẽ khiến đô thị hóa và việc kéo người lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp trong tương lai gặp rất nhiều khó khăn. Trong lúc du lịch và nông nghiệp là hai lợi thế không thể bàn cãi của Quảng Trị nên phải đầu tư mạnh hơn nữa cho du lịch và nông nghiệp.

Với du lịch, Quảng Trị xác định khai thác, phát triển như thế nào khi chúng ta đang có rất nhiều tiềm năng, thưa đồng chí?

Quảng Trị có hệ thống di tích lịch sử cách mạng, di sản thiên nhiên dọc phía tây của tỉnh thuận lợi cho phát triển du lịch thân thiện với môi trường, du lịch sinh thái. Ở phía Đông thì có du lịch biển với những  vùng biển nổi tiếng như Cửa Tùng, Cửa Việt, Cồn Cỏ. Đặc biệt hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng rất phong phú. Ngoài ra còn có du lịch tâm linh và chiến trường xưa đồng đội. Tất nhiên, nút thắt trước tiên cần phải tháo gỡ trong phát triển du lịch Quảng Trị là tư duy của con người và cách ứng xử của con người và di tích, di sản. Trong các di tích nên xác định cái nào cần bảo tồn nguyên vẹn, cái nào vừa bảo tồn vừa đưa vào khai thác, phát triển. Cần biến di tích thành những giá trị năng động để du lịch xứng đáng là nơi “hái ra tiền” của Quảng Trị.

Muốn phát triển bền vững trong nông nghiệp cần nhấn mạnh đến yếu tố nào, thưa đồng chí?

Khi nông nghiệp hướng đến chế biến sâu sau thu hoạch và chuỗi giá giá trị cao thì phải coi đất đai là một yếu tố đầu vào của sản xuất. Tiền sử dụng đất đai phải được hạch toán vào quá trình sản xuất và vốn hóa bằng tài chính. Cần xây dựng ngân hàng đất đai để phát triển nông nghiệp là một giải pháp nhằm tránh việc đất đai không được sử dụng hiệu quả. Muốn vậy thì phải tiếp tục dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất. Việc xây dựng ngân hàng đất đai nông nghiệp là thiết lập cơ chế tạo quỹ đất cho phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.

Trong phát triển nông nghiệp, cần phát huy vai trò liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân theo hướng doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, người nông dân sản xuất trên đất đai của họ. Thực hiện mô hình liên kết hộ nông dân góp đất để thực hiện dự án, tự nguyện cho nhà nước thuê quyền sử dụng đất để nhà nước cho doanh nghiệp thuê lại đất.

Doanh nghiệp được giao đất xây dựng nhà xưởng, sản xuất giống, thực hiện các mô hình thực nghiệm với một diện tích đất nhất định phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, hạn chế cho doanh nghiệp thuê đất một diện tích lớn trong điều kiện quỹ đất có hạn, người dân cần có nhu cầu mở rộng sản xuất. Đây là một chủ trương lớn của tỉnh, đáp ứng với yêu cầu mong muốn của nhiều người dân,  phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước.

Chú trọng nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật và quy trình sản xuất tiến tiến hướng đến nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường. Chuyển từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm thì Quảng Trị mới có thể vượt qua khó khăn, thách thức, từng bước mang lại cho người nông dân có cuộc sống ấm no hơn.

Với những gam màu tươi sáng như trên của Quảng Trị, những ý tưởng trong công tác chỉ đạo và sự giúp đỡ của Trung ương, chúng ta phải có niềm tin mới, phong cánh hành động mới, không được chủ quan và tự mãn. Nhân dịp năm mới đến, kính chúng toàn thể nhân dân Quảng Trị, cán bộ chiến sỹ lực lượng Vũ trang bà con kiều bào và người Quảng Trị xa quê sức khỏe, thành công và đạt được nhiều thắng lợi mới.

Xin cảm ơn đồng chí!

                                                          LÂM QUANG HUY thực hiện

2436 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 879
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 879
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87005056