Báo chí nước ngoài đưa tin, lễ kết nạp Montenegro vào NATO diễn ra tại Washington (Mỹ), dưới sự chủ trì của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Thomas Shannon và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Tại buổi lễ, Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic đã trao nghị định thư về việc gia nhập NATO cho ông Shannon.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, việc kết nạp Montenegro vào liên minh quân sự lớn nhất hành tinh đã phát đi tín hiệu tới các quốc gia khác rằng, cần phải thực sự cải cách, thúc đẩy dân chủ, đề cao các nguyên tắc pháp quyền, hiện đại hóa các lực lượng vũ trang và đóng góp cho các hoạt động phòng thủ tập thể nếu muốn tìm kiếm cơ hội trở thành thành viên của NATO. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo NATO cũng tin tưởng rằng, liên minh quân sự này sẽ được hưởng lợi từ hiểu biết của Montenegro với các nước Balkan, trong khi việc Montenegro gia nhập NATO sẽ giúp ích cho sự ổn định của khu vực này cũng như hòa bình và an ninh thế giới.

Về phía trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Thomas Shannon đã hoan nghênh Montenegro trở thành thành viên của NATO vì đã khẳng định chủ quyền và đưa ra sự lựa chọn về các mối quan hệ đồng minh ngay cả khi phải đối mặt với sức ép từ phía bên ngoài.

Trong khi đó, Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic tin tưởng rằng, việc trở thành thành viên của NATO sẽ mang lại sự ổn định lâu dài và thịnh vượng kinh tế cho quốc gia nằm trên bán đảo Balkan này.

Sau lễ kết nạp, ông Markovic đã có buổi hội đàm trực tiếp với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Nhà Trắng. Nhân sự kiện này, nhà lãnh đạo Montenegro đã tỏ rõ quyết tâm sẽ hoàn thành mục tiêu của NATO, dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024.

Tuy nhiên, trái với sự đón nhận của các bên liên quan, các nhà phân tích cảnh báo rằng việc kết nạp Montenegro sẽ có nguy cơ khiến cho mối quan hệ giữa Nga và NATO tiếp tục rạn nứt. Về phía Moscow đã nhiều lần tỏ rõ lập trường cho rằng, kế hoạch hướng Đông của NATO sẽ làm gia tăng căng thẳng tại khu vực châu Âu. Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ Montenegro phải chịu “hoàn toàn trách nhiệm” sau khi có động thái hưởng ứng các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga năm 2014. “Với những đường hướng thù địch mà chính quyền Montenegro đã chọn, phía Nga có quyền áp dụng các biện pháp trả đũa tương ứng. Về mặt chính chị, cũng giống như vật lý, tất cả hành động đều sẽ bị phải ứng ngược lại” – tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich diễn ra ở Đức ngày 18/2/2017, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo, kế hoạch mở rộng của NATO đã làm phát sinh một “sự căng thẳng ở mức độ chưa từng có tiền lệ ở châu Âu trong vòng 30 năm qua”. Thậm chí ông Lavrov còn dẫn một số ý kiến tại Hội nghị an ninh Munich cho rằng, diễn biến này của NATO cho thấy chiến tranh Lạnh vẫn chưa kết thúc./.
Thu Lan (Theo TASS, euronews, Reuters)