Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, chiều 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ngày 12 tháng 11 năm 2018, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Theo đó, để thực thi Hiệp định CPTPP, tổng số luật cần phải sửa đổi, bổ sung là 08 luật, gồm: Bộ luật Lao động; Luật Phòng, chống tham nhũng (đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và nội dung đã đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định CPTPP); Luật Tố cáo (đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV và nội dung đã đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định CPTPP); Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật An toàn thực phẩm.

Do vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết.

Quy định điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 07 điều thuộc 05 chương của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, dự luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về: quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm…

Theo cơ quan thẩm tra, những quy định được sửa đổi, bổ sung đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo Hiệp định CPTPP.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, dự thảo Luật bổ sung quy định điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: “Đảm bảo tài chính trong việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bằng một trong các hình thức: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo lãnh thanh toán ngân hàng, bảo hiểm bảo lãnh, ký quỹ, vốn chủ sở hữu (điều kiện về vốn của chủ sở hữu chỉ áp dụng với tổ chức)” là có những điểm chưa phù hợp với tính chất là điều kiện kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Bởi lẽ, các hình thức đảm bảo tài chính trên đây còn chung chung, chưa có tính định lượng để làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát hoạt động của chủ thể kinh doanh. Hơn nữa, các hình thức đảm bảo tài chính này chưa có sự phân định rạch ròi giữa 3 yếu tố: điều kiện kinh doanh của tổ chức, cá nhân; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; biện pháp bảo đảm của hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm…

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, chỉ quy định điều kiện đối với cá nhân và tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mà không quy định điều kiện đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm là cũng chưa phù hợp. Vì đối với tổ chức, Dự thảo Luật yêu cầu việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện về đảm bảo tài chính, người trực tiếp cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với từng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Nếu đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm không quy định tiêu chí này thì một mặt không có biện pháp để quản lý, mặt khác không bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể trong cùng một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, dù doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhưng điều đó không có nghĩa là họ chắc chắn có các cá nhân có chuyên môn và văn bằng, chứng chỉ phù hợp để cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, cũng như luôn đủ khả năng tài chính để ký kết các hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mà không cần thực hiện các biện pháp bảo đảm như bảo lãnh, bảo hiểm, ký quỹ.

Vấn đề khác được cơ quan thẩm tra cho ý kiến là về hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nếu Dự thảo Luật chỉ quy định về hình thức hợp đồng mà không quy định về các nội dung chủ yếu của hợp đồng là chưa bảo đảm yêu cầu quản lý, chưa tương xứng với các quy định có liên quan của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành về hợp đồng bảo hiểm. Chẳng hạn, nếu xác định việc bảo lãnh, bảo hiểm, ký quỹ là điều kiện của việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, thì trong hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải có điều khoản này. Do đó, đề nghị làm rõ và bổ sung dự luật quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm…

Sửa 5 nhóm vấn đề lớn của Luật Sở hữu trí tuệ

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 09 điều, khoản trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành để thực thi 11 nhóm chính sách đã cam kết trong 08 điều khoản của Hiệp định CPTPP  theo 5 nhóm vấn đề lớn, gồm: Sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát biên giới.

Cơ quan thẩm tra thấy rằng Dự thảo Luật đã nội luật hoá các quy định của Hiệp định về ngoại lệ đối với tính mới của sáng chế. Tuy nhiên, Hiệp định còn quy định ngoại lệ đối với trình độ sáng tạo. Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 61 của Luật Sở hữu trí tuệ (Trình độ sáng tạo của sáng chế) để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất vì theo quy định của Hiệp định thì ngoài ngoại lệ về tính mới còn có ngoại lệ liên quan đến trình độ sáng tạo của sáng chế. 

Về chỉ dẫn địa lý, theo Hiệp định CPTPP (Điều 18.32), quốc gia thành viên phải quy định thủ tục cho phép người thứ ba phản đối việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý này trên cơ sở việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đó có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ/đơn đang được xem xét. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chỉ quy định trường hợp từ chối bảo hộ là đối tượng đang được bảo hộ. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị mở rộng phạm vi bảo hộ như quy định đã cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ để bảo đảm thực hiện kịp thời các cam kết trong Hiệp định CPTPP khi Việt Nam là thành viên.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao tinh thần chuẩn bị nội dung dự án Luật của Chính phủ, bởi đây là dự án Luật chuyên ngành, có nội dung phức tạp, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, hữu quan hoàn thiện dự thảo Luật trình UBTVQH. Cho rằng dự án Luật này liên quan đến nhiều chủ thể, đối tượng được áp dụng, do vậy Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ nên có các hình thức phù hợp để lấy ý kiến của các đối tượng, chủ thể có liên quan để đảm bảo tính khả thi của dự án luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng luật, Ban soạn thảo lưu ý chỉ giới hạn trong việc nội luật hóa các nội dung liên quan đến các nghĩa vụ cam kết trong Hiệp định CPTPP, còn những nội dung khác thì tới đây Quốc hội sẽ nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, đưa vào sửa đổi sau.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, để kịp thời thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP, thời gian chỉnh sửa luật là rất gấp. Do đó đề nghị cho trình dự án Luật vào đầu kỳ họp thứ 7, thông qua vào cuối kỳ họp để các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật./.

Minh Thư