Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) sẽ nối lại hoạt động luân chuyển lực lượng từ ngày 15/8 tới theo các biện pháp mới được phê duyệt.
Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop ngày 13/8 tuyên bố: “MINUSMA đã đồng ý với những thủ tục mới và thông báo cho tất cả các quốc gia đóng góp quân. Sẽ không có ngoại lệ”.
Ông Diop đưa ra thông báo này sau khi Mali đình chỉ hoạt động luân chuyển lực lượng của MINUSMA hồi tháng 7 vừa qua vì những lý do liên quan đến “an ninh quốc gia”.
Trong khi đó, người phát ngôn của MINUSMA - bà Myriam Dessables cũng xác nhận thông tin trên.
Theo ông Diop, các đơn vị khác nhau của MINUSMA trước đó phải có được sự phê duyệt trực tiếp từ nhà chức trách Mali. Tuy nhiên, hiện nay, “mọi yêu cầu phải thông qua MINUSMA và phái bộ sau đó sẽ chuyển những yêu cầu này tới Bộ Ngoại giao (Mali)”.
[Mali tiếp tục cản trở các hoạt động của Liên hợp quốc]
Quyết định đình chỉ các hoạt động luân chuyển lực lượng hôm 14/7 được đưa ra 4 ngày sau khi Mali bắt giữ 49 binh sỹ Côte d'Ivoire và sau đó mô tả các binh sỹ này là “những tên lính đánh thuê” có ý đồ lật đổ chính quyền quân sự ở quốc gia vùng Sahel.
Tuy nhiên, Côte d'Ivoire giải thích rằng 49 binh sỹ bị bắt giữ được điều động đến nước láng giềng để tăng cường cho MINUSMA. Trong khi đó, phái bộ của Liên hợp quốc thừa nhận đã có “những bất thường” trong hoạt động triển khai các binh sỹ Côte d'Ivoire.
Cựu phát ngôn viên MINUSMA Olivier Salgado đã bị trục xuất khỏi Mali vì hành động công bố những thông tin mà Bamako cho là “không thể chấp nhận được” trên mạng xã hội Twitter sau vụ bắt giữ 49 binh sỹ Côte d'Ivoire.
MINUSMA được triển khai từ năm 2013 để hỗ trợ Mali - một trong những đất nước nghèo nhất thế giới - đối phó với các hoạt động tấn công thánh chiến đẫm máu.
MINUSMA là một trong những hoạt động gìn giữ hòa bình có quy mô lớn nhất của Liên hợp quốc, với tổng cộng 17.609 binh sỹ, cảnh sát, nhân viên dân sự và tình nguyện viên tính đến tháng 4/2022./.
Xuân Phong-Trung Kiên (TTXVN/Vietnam+)