Mất an toàn thực phẩm do là khâu tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc 

(ĐCSVN) - Tiếp tục Chương trình làm việc phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chiều 20/4, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”.
Mất an toàn thực phẩm do là khâu tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc

Thực hiện Nghị quyết số 14/2016/QH14 ngày 27/7/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 19/2016/QH14 ngày 28/7/2016 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016” do đồng chí Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn.

Đoàn giám sát đã tiến hành làm việc với 21/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, với số lượng 210 cơ sở khảo sát thuộc 08 loại hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm; làm việc với 03 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công Thương và nghe Chính phủ báo cáo kết quả tình hình thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP); tổ chức 03 Hội nghị chuyên đề về nội dung giám sát.

Đánh giá về việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, Báo cáo giám sát nêu rõ: trong giai đoạn 2011-2016, Quốc hội, Chính phủ, các bộ/ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng ban hành được một khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), chất lượng các văn bản về cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, hình thành một hệ thống văn bản tương đối toàn diện, đầy đủ đã tạo nên hành lang pháp lý khá thuận lợi cho công tác quản lý ATTP. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, thì việc ban hành văn bản QPPL về ATTP trong thời gian qua cũng bộc không ít tồn tại và hạn chế,  trong đó đáng lưu ý là nhiều văn bản ban hành chậm và còn thiếu, chưa thực sự phù hợp, chưa được hệ thống hóa, còn chồng chéo, quy định phân công trách nhiệm cho các cơ quan đơn vị chưa thực sự khoa học và rõ ràng.

Theo Báo cáo giám sát, 5 năm qua, các cơ quan chức năng trên cả nước đã tiến hành kiểm tra hơn 3.350.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhưng chỉ phát hiện hơn 678.000 cơ sở vi phạm, chiếm hơn 20% số cơ sở tiến hành kiểm tra. Điều đáng nói là các cơ sở bị phát hiện có vi phạm bị xử lý chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe với mức xử phạt còn thấp, trung bình khoảng 200.000 đồng trên 1 vụ việc. Trong khi đó, tình trạng ngộ độc thực phẩm lại diễn ra khá nghiêm trọng tại một số địa phương.

Từ năm 2011 đến tháng 10/2016, toàn quốc đã ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 30.000 nạn nhân, trong đó 164 người đã tử vong. Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200 nghìn ca phát hiện mới, trong đó có nguyên nhân thực  phẩm không an toàn.

Mặc dù số vụ vi phạm lớn, song theo thống kê của Bộ Công an trong thời gian từ 2011-2016, số vụ vi phạm ATTP chuyển qua hình sự là trên 300 vụ nhưng cơ quan điều tra các cấp chỉ khởi tố 01 vụ, đề nghị truy tố 90 vụ.

Bên cạnh đó, công tác quản lý an toàn thực phẩm chưa kiểm soát được toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm; quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công vẫn là khâu yếu, chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý. Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn hầu như chưa được thực hiện.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nội dung báo cáo của đoàn giám sát, và cho rằng, hiện nay, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do thực phẩm không an toàn là một thực tế đang tồn tại. An toàn thực phẩm có lúc, có nơi đã đến mức báo động.

Theo nhiều đại biểu, để xảy ra tình trạng này, không phải do nước ta không có hệ thống pháp luật đầy đủ để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, mà vấn đề ở đây là khâu tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết,  hành lang pháp lý hiện nay hoàn toàn đủ sức răn đe với các tội phạm liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm. Bà phân tích: “Về cơ bản hành lang pháp lý của chúng ta không phải là thiếu. Trong báo cáo của cả Chính phủ và Đoàn giám sát có một vài đánh giá tôi đề nghị cân nhắc kĩ. Nếu như Chính phủ đánh giá Bộ luật hình sự hiện hành để áp dụng hai tội sát nhất là đến tử hình đối với tội sản xuất hàng giả là lương thực thực phẩm và 15 năm với vi phạm quy định về an toàn thực phẩm thì nếu chúng ta nói là nhẹ thì cá nhân tôi cho rằng chưa đúng, vấn đề ở đây là tổ chức thực hiện".

Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ những bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt cũng như làm chưa tốt trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm để có cơ chế khen thưởng hay kỷ luật, qua đó đề cao trách nhiệm cá nhân.

Tham dự phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm là do xử lý chưa nghiêm, việc thực thi trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương chưa tốt... Theo Bộ trưởng cần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này, đồng thời lưu ý tới các giải pháp mang tính đột phá về bộ máy, con người, tài chính.

Đoàn giám sát cũng có kiến nghị sớm tổng kết đánh giá 5 năm triển khai thi hành Luật An toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Bộ Luật Hình sự,… để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm góp phần nâng cao hiệu lực pháp lý, thống nhất và đồng bộ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần chú trọng đẩy nhanh việc sửa đổi Bộ Luật Hình sự để góp phần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng tính răn đe.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu quan điểm, không chỉ riêng Luật An toàn thực phẩm mà hầu hết các luật, sau khi ban hành một thời gian đều có nhu cầu sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tế.  Phó Thủ tướng cũng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm là do khâu tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở kết quả giám sát, phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Đoàn giám sát đã đề xuất các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện và nguồn lực để thực hiện.

Đa số ý kiến cơ bản thống nhất với các nhóm giải pháp này, tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: các giải pháp trong Báo cáo mới chỉ dừng lại ở việc đề xuất, kiến nghị những vấn đề mang tính nguyên tắc, chứ rất ít những chỉ tiêu định lượng cụ thể.

Về kiến nghị thành lập Ủy ban An toàn thực phẩm ở Trung ương và ở cấp tỉnh, các ý kiến cho rằng cũng cần có cơ quan cấp sở quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở tích hợp đơn vị cùng chức năng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần cân nhắc kiến nghị này:

Các đại biểu đề nghị, Báo cáo cần chỉ rõ hơn việc xử lí vi phạm; đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, cần rà soát lại các giải pháp như nguồn nhân lực trong điều kiện giảm biên chế như hiện nay./.

Đỗ Thoa

508 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2144
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 2144
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76245237