Ngày 3/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng hơn 80 triệu người đang sống trong tình trạng mất an ninh lương thực ở vùng Sừng châu Phi.
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, WHO ước tính rằng có hơn 80 triệu người ở 7 quốc gia trong khu vực bao gồm Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda đang trong tình trạng mất an ninh lương thực, trong đó hơn 37,5 triệu người được xếp ở Giai đoạn 3 của IPC (Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp của Liên hợp quốc-công cụ được các tổ chức của Liên hợp quốc sử dụng để đánh giá nguy cơ mất an ninh lương thực), giai đoạn khủng hoảng mà mọi người cần bán tài sản của họ để nuôi sống bản thân và gia đình họ, và nơi sự suy dinh dưỡng diễn ra tràn lan.
[IOM yêu cầu trợ giúp khẩn cấp 3 triệu người ở khu vực Sừng châu Phi]
Để thực hiện việc hỗ trợ khẩn cấp, WHO đã kêu gọi quyên góp 123,7 triệu USD. Tổ chức này nhấn mạnh rằng “những ảnh hưởng của xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 đã khiến khu vực này đã trở thành một điểm nóng về nạn đói với nhiều hậu quả tai hại đối với sức khỏe và cuộc sống của người dân."
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết nạn đói là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và sự sống còn của hàng triệu người dân ở vùng Sừng châu Phi rộng lớn.
WHO đang trông chờ vào sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để triển khai các công việc trên thực địa nhằm ứng phó với mối đe dọa kép hiện nay, điều trị cho những người bị suy dinh dưỡng và bảo vệ họ khỏi các bệnh truyền nhiễm./.
Trung Khánh (TTXVN/Vietnam+)