Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các nhà lập pháp của Mali ngày 21/2 đã thông qua kế hoạch cho phép chính phủ quân sự của nước này cầm quyền trong tối đa 5 năm, bất chấp các lệnh trừng phạt của khu vực vì động thái trì hoãn các cuộc bầu cử từ phía Bamako.
Cơ quan lập pháp Mali do quân đội kiểm soát cũng quyết định rằng tổng thống lâm thời của nước này không thể ứng cử trong một cuộc bầu cử dân chủ trong tương lai, tương tự nội dung trong dự luật được đưa ra trước đó.
Toàn bộ các nhà lập pháp tham dự đã bỏ phiếu thuận trong hai cuộc bỏ phiếu trên.
[Tổng thống Pháp công bố cách thức rút quân "có trật tự" khỏi Mali]
Dự luật mới được thông qua không đề cập đích danh Tổng thống lâm thời của Mali - Đại tá Assimi Goita, để ngỏ khả năng ông có thể tranh cử nếu từ chức trước khi diễn ra cuộc bầu cử trong tương lai. Thời gian tổ chức cuộc bầu cử cũng không được nhắc đến.
Đại tá Goita đã cam kết khôi phục chế độ dân sự, nhưng từ chối xác nhận thời gian tiến hành.
Mali - quốc gia không giáp biển với 21 triệu dân - đã phải chật vật kiềm chế cuộc xung đột vũ trang bùng phát vào năm 2012, trước khi lan rộng sang các nước láng giềng Burkina Faso và Niger.
Xung đột đã khiến hàng nghìn binh sỹ cùng dân thường đã thiệt mạng và hai triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó Mali là tâm điểm.
Sau cuộc đảo chính vào tháng 8/2020, các nhà cầm quyền quân sự của Mali cam kết sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào tháng 2/2022.
Tuy nhiên, vào tháng 12/2021, chính phủ quân sự đã đề xuất nắm quyền từ 6 tháng đến 5 năm, với lý do lo ngại về an ninh.
Đáp lại, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) hồi tháng trước đã áp đặt lệnh cấm vận thương mại và đóng cửa biên giới với Mali vì cho rằng thời gian của quá trình chuyển đổi theo như đề xuất là không thể chấp nhận được.
Trong một thông báo ngày 21/2, ECOWAS cho biết người đóng vai trò hòa giải cho Mali - cựu Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan - sẽ đến thăm thủ đô Bamako vào ngày 25/2 tới./.
Nguyễn Tú (TTXVN/Vietnam+)