Ngày 11/6, Mali đã công bố thành lập chính phủ mới với các vị trí chủ chốt đều do quân đội nắm giữ.
Theo thông báo được đọc trên truyền hình Mali, các quan chức quân đội nắm giữ những bộ được cho là quan trọng nhất gồm quốc phòng, an ninh và hòa giải dân tộc. Trong đó ông Sadio Camara, một trong những quan chức bị gạt bỏ trong đợt cải tổ nội các vốn dẫn đến vụ đảo chính quân sự hồi cuối tháng Năm, đã được bổ nhiệm trở lại cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.
Trước đó, ngày 9/6, Đại tá Assimi Goita, người đứng đầu cuộc đảo chính, được công bố trở thành Tổng thống lâm thời và đã bổ nhiệm nhân vật dân sự Choguel Maiga làm Thủ tướng, với cam kết tổ chức bầu cử vào tháng 2/2022.
Quyết định thành lập chính phủ mới có thể làm giảm căng thẳng giữa Mali với các đối tác và lãnh đạo khu vực những người - cùng với các đồng minh quân sự như Pháp và Mỹ, muốn Chính phủ chuyển tiếp Mali duy trì kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử nói trên.
[Tổng thống lâm thời Mali Assimi Goita tuyên thệ nhậm chức]
Việc xảy ra hai vụ đảo chính tại Mali chỉ trong chín tháng đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại và bất bình.
Phản ứng trước sự việc trên, Liên minh châu Phi (AU) đã đình chỉ tư cách thành viên của Mali, đồng thời đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu một chính quyền dân sự không được khôi phục tại quốc gia này.
Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cũng đã đưa ra quyết định tương tự.
Trong khi đó, Pháp hủy các cuộc tập trận chung với các lực lượng của Mali, đồng thời ngừng các cuộc tham vấn quân sự./.
Đỗ Tuấn Anh (TTXVN/Vietnam+)