Malaysia: Thủ tướng Ibrahim và công cuộc định hình bối cảnh chính trị mới 

Nhìn lại 365 ngày trên cương vị người đứng đầu chính phủ, nhiều chuyên gia cho rằng ông Anwar đã làm được việc khó nhất mà nhiều chính phủ tiền nhiệm không thể thực hiện trong một thời gian ngắn.
Malaysia: Thủ tướng Ibrahim và công cuộc định hình bối cảnh chính trị mới

Ngày 2/12, tròn một năm chính phủ thống nhất của Malaysia do Thủ tướng Anwar Ibrahim đứng đầu tuyên thệ nhậm chức.

Nhìn lại 365 ngày trên cương vị người đứng đầu chính phủ, nhiều chuyên gia tại địa bàn cho rằng, ông Anwar đã làm được việc khó nhất mà nhiều chính phủ tiền nhiệm không thể thực hiện trong một thời gian ngắn, đó là định hình bối cảnh chính trị mới trên chính trường Malaysia.

Đầu tiên, đó là xây dựng nội các mới với 28 thành viên, đặt nền móng cho một chính phủ thống nhất và bao trùm, đa chủng tộc, đa tôn giáo và lần đầu tiên có sự tham gia của các khối chính trị ở cả phần Bán đảo Malaysia và các đảo Sabah và Sarawak, qua đó góp phần ổn định nền chính trị phức tạp và bị phân mảnh tại Malaysia.

Tại cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 (GE15) diễn ra tháng 11/2022, không đảng chính trị hoặc liên minh nào giành được đa số tối thiểu (112 ghế) để đứng ra thành lập chính phủ.

Với sự can thiệp của Quốc vương, sau 4 ngày bàn thảo liên tục, Liên minh Mặt trận quốc gia (BN) và Liên minh các đảng Sarawak (GPS)-Sabah (GRS) đã nhất trí ủng hộ Liên minh Hy vọng (PH) thành lập chính phủ mới với sự cam kết của 133 nghị sỹ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Anwar Ibrahim.

Giới phân tích cho rằng việc lựa chọn và thành lập nội các có tính bao trùm đã cho thấy chính trị gia Anwar có sự khôn ngoan và thấu hiểu chính trường Malaysia sâu sắc. Hai phó thủ tướng kiêm nhiệm hai bộ trưởng thuộc về hai khối chính trị BN và GPS đã mang lại sự ổn định, hạ nhiệt căng thẳng trên chính trường và sắp xếp hợp lý bộ máy hành chính liên bang.

Nhậm chức thủ tướng thứ 10 của Malaysia trong bối cảnh chính trị trong nước trải qua quá nhiều bất ổn trong những năm gần đây, với 3 chính phủ bị sụp đổ trong giai đoạn 2018-2022, nhiều nhà phân tích dự báo rằng việc xây dựng nền móng cho chính phủ mới rất khó khăn và khó thành công.

 

Tuy nhiên, hơn cả kỳ vọng, sau một năm vun đắp và nỗ lực không ngừng, Thủ tướng Anwar đã đưa chính trường Malaysia dần ổn định hơn.

Nhà phân tích chính trị Mujibu Abu Muis - giảng viên cao cấp Khoa học Chính trị tại Đại học Teknologi MARA (UiTM), nhận định trong năm qua, Thủ tướng Anwar đã lãnh đạo thành công chính phủ liên bang mà không gặp áp lực chính trị nào quá lớn hay các vấn đề rủi ro có thể làm gián đoạn sự quản trị đất nước.

Ông nhấn mạnh thành công của thủ tướng trong việc khôi phục ổn định chính trị không chỉ củng cố khả năng điều hành của chính phủ, mà còn khôi phục niềm tin của người dân vào một hệ thống chính trị ổn định lâu dài.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Malaysia đề xuất các cải cách táo bạo cho nền kinh tế

Thủ tướng Anwar cho biết khoản phân bổ ngân sách cho năm tới là 393,8 tỷ ringgit (83,26 tỷ USD), trong đó 303,8 tỷ ringgit được dành cho chi phí hoạt động và 90 tỷ ringgit dành cho phát triển.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Malaysia, Giáo sư, Tiến sỹ, nhà phân tích chính trị Awang Azman Awang Pawi, trường Đại học Malaya, đánh giá: “Khoảng thời gian một năm đầu tiên cầm quyền của Thủ tướng Anwar Ibrahim đánh dấu một kỷ nguyên đầy hứa hẹn trong việc thay đổi hành chính và chuyển mô hình đổi quản trị, thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Có thể có nhiều quan điểm khác nhau về nhiệm kỳ của ông trong thời gian một năm. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng việc ông Anwar trở thành thủ tướng thứ 10 của Malaysia đã mang lại cho ông cơ hội để lèo lái đất nước theo đúng quỹ đạo cần thiết."

Thành tựu thứ hai, đó là công bố chiến lược MADANI hướng đến lợi ích của người dân và trao quyền cho người dân. MADANI là từ ghép của 6 chữ cái đầu tiên theo tiếng Bahasha Melayu của các từ bền vững, hạnh phúc, sáng tạo, tôn trọng, tin cậy và lòng nhân ái.

MADANI là một kế hoạch phát triển kinh tế toàn diện, giải quyết các thách thức kinh tế hiện nay của Malaysia. Theo đó, tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư, cũng như tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

 

Kế hoạch bao gồm hai trọng tâm chính là tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng đưa Malaysia trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Đồng thời đặt ra 7 mục tiêu trong 10 năm tới, gồm cả đưa Malaysia vào Top 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

ttxvn-thu-tuong-malaysia2-9048.jpg

Trong ảnh: Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim phát biểu sau khi công bố thành phần nội các mới tại Putrajaya, Malaysia, ngày 2/12/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Với vai trò thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính, ông Anwar cũng đã công bố Kế hoạch tổng thể công nghiệp mới đến năm 2030 (NIMP 2030), bao gồm mục tiêu thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ngành sản xuất thêm 6,5% hằng năm cho đến năm 2030, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm tái cơ cấu ngành kinh tế, qua đó đạt được tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ông cũng công bố Kế hoạch chuyển đổi năng lượng quốc gia; Kế hoạch chuyển đổi kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo và tiến hành đánh giá giữa kỳ Kế hoạch Malaysia lần thứ 12.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2023, chính phủ đã nhận được 132 tỷ RM (28 tỷ USD) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 60% mục tiêu (220 tỷ RM). Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, khoảng 3,4%; tỷ lệ lạm phát được kiểm soát dưới 3%.

Giáo sư, Tiến sỹ, nhà phân tích chính trị Awang Azman Awang Pawi, đánh giá sự ủng hộ của người dân đối với các giải pháp về vấn đề phúc lợi xã hội, kinh tế, giáo dục và trợ cấp đã cho thấy hiệu quả hoạt động của chính phủ. Các chính sách mà chính phủ đưa ra trong năm đầu tiên đang rất đúng hướng và người dân được hưởng lợi từ những chính sách đó.

Theo Giáo sư, sức mạnh của chính phủ phải được duy trì bằng cách đảm bảo một nội các đáng tin cậy, làm việc công tâm, công bằng và có cách tiếp cận toàn diện trong việc đưa ra quyết định. Sức mạnh của chính phủ phải luôn hướng tới quản lý hiệu quả, thúc đẩy sự hòa nhập xã hội hài hòa trong sự đa dạng sắc tộc và bảo vệ quyền và lợi ích của mọi công dân. Ngoài ra còn phải giải quyết hiệu quả các thách thức liên quan đến Biến đổi Khí hậu và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho các thế hệ tương lai.

 

Giáo sư Awang Azman Awang Pawi cho rằng, để thu hút sự ủng hộ hơn nữa của người Mã Lai, Thủ tướng Anwar cần đưa ra các chương trình nghị sự phát triển nhằm giải quyết nhu cầu của cộng đồng địa phương và giải quyết các vấn đề mà họ cho là quan trọng.

Trong một năm qua, cụm từ MADANI đã gắn với tên tuổi của Thủ tướng Anwar bằng cách đề cao các giá trị ôn hòa, giải quyết hài hòa sự khác biệt giữa các sắc tộc và phát triển bền vững vì sự thịnh vượng chung. Đây cũng chính là những giá trị mà Malaysia đang nỗ lực hướng đến dưới sự lãnh đạo của vị thủ tướng 76 tuổi, từng được thế giới đánh giá là một bộ trưởng tài chính giàu kinh nghiệm, dẫn dắt Malaysia vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Giờ đây với vai trò là thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính, người dân lại kỳ vọng vào khả năng của ông không chỉ đưa Malaysia vượt qua sự khó khăn trên chính trường mà còn hóa giải được những thách thức của nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)
104 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 913
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 913
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87118271