Theo các nguồn tin trên, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét việc đề xuất biện pháp trừng phạt là đóng băng tài sản của ông Kim nhưng không rõ những tài sản nào sẽ bị "đưa vào tầm ngắm". Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga nhiều khả năng sẽ phản đối động thái này của Mỹ và cho rằng nó đi ngược lại việc tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại với Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, Mỹ cũng tìm cách để thông qua các biện pháp khác như hạn chế xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên và cấm nước này đưa công dân ra nước ngoài làm việc - một nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng.

Hồi năm ngoái, Washington đã đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và 10 quan chức hàng đầu khác của Triều Tiên, đánh dấu việc Mỹ lần đầu tiên tìm cách gây sức ép lên ban nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên thông qua các lệnh trừng phạt. Những nghị quyết trước đây của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Kim trên cơ sở cá nhân.

Cũng trong ngày 30/7, Triều Tiên cảnh báo sẽ có hành động cứng rắn nếu Mỹ định áp đặt các lệnh trừng phạt mới sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Bình Nhưỡng.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh nếu Mỹ vẫn theo đuổi các hành động quân sự chống Triều Tiên, nước này sẽ có hành động pháp lý cứng rắn như đã từng tuyên bố.

Đêm 28/7, Triều Tiên đã tiến hành phóng thử một tên lửa Hwasong-14. Đây là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa liên tiếp thứ hai của Triều Tiên. KCNA xác nhận tên lửa đạt tới độ cao 3.724,9 km và bay được 998 km trong khoảng 47 phút trước khi rơi xuống biển. Nhật Bản cho biết tên lửa của Triều Tiên đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản trên Biển Nhật Bản./.

Theo TTXVN