Truyền thông nước ngoài đưa tin, cuộc tập trận Sea Breeze (Gió biển) 2021 dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 2 tuần (tới 10/7). Trong khi đó, con số 32 nước tham gia cuộc tập trận năm nay cũng đánh dấu một “cột mốc kỷ lục” kể từ khi hoạt động thường niên này được khởi động năm 1997. Mỹ, các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng Ukraine sẽ huy động khoảng 5.000; 30 tàu chiến, 40 máy bay, hơn 100 xe tải và xe bọc thép tham gia cuộc tập trận.
Tàu khu trục Ross của Mỹ cũng đã cập cảng Odessa của Ukraine để sẵn sàng cho sự kiện lần này. Các hoạt động diễn tập trong khuôn khổ cuộc tập trận bao gồm: Chiến tranh đổ bộ, chiến tranh cơ động trên bộ, lặn, chiến dịch ngăn chặn trên biển, phòng không, tích hợp các hoạt động đặc biệt, tác chiến chống tàu ngầm và tìm kiếm, cứu nạn.
Đại úy Hải quân Mỹ Kyle Gantt đánh giá, việc nhiều nước tham gia vào cuộc tập trận năm nay đã phản ánh cam kết chung trong việc bảo đảm quyền tiếp cận tự do tới các vùng biển quốc tế.
Trong khi đó, phía Ukraine tuyên bố, sự tham gia đông đảo của các nước trong cuộc tập Sea Breeze 2021 đã cho thấy sự ủng hộ trong phạm vi toàn thế giới đối với sự kiện thường niên được bắt đầu từ 2 thập kỷ trước. Ukraine hy vọng, thông qua cuộc tập trận, nước này có thể khẳng định cam kết chung với phương Tây trong giải quyết mối quan hệ với Nga.
|
Xe tăng của Ukraine trong lễ khai mạc cuộc tập trận Sea Breeze 2021 ở vùng Kherson, Ukraine, ngày 28/6/2021. (Ảnh: Lực lượng hải quân Ukraine/Reuters) |
Cuộc tập trận Sea Breeze 2021 diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa NATO và Moscow đang bị kéo căng sau khi Nga thông báo đã bắn cảnh báo và thả bom trên tuyến hải lộ của tàu chiến HMS Defender (Anh) tại vùng biển ngoài khơi bán đảo Crimea mà Nga tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, nước thành viên NATO đã lên tiếng bác bỏ.
Không chỉ “sứt mẻ” trong quan hệ với các nước thành viên NATO, quan hệ giữa Nga với Ukraine cũng gặp nhiều sóng gió sau những tranh cãi xung quanh việc Moscow sáp nhập Crimea và vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine. Căng thẳng giữa hai nước láng giềng đã leo thang tới đỉnh điểm vào đầu năm 2021, khi Nga triển khai một lực lượng lớn binh sỹ tới khu vực biên giới với Ukraine.
Tuần trước, Đại sứ quán Nga tại Washington đã kêu gọi các bên hủy bỏ kế hoạch tập trận. Bộ Quốc phòng Nga cũng cảnh báo sẽ phản ứng để bảo vệ an ninh quốc gia trong trường hợp cần thiết.
Được biết, hiện Nga đang duy trì trạng thái báo động trước cuộc tập trận đa phương do Mỹ và Ukraine tổ chức.
Trong một thông báo phát đi ngày 28/6, Trung tâm chỉ huy phòng thủ quốc gia Nga (NDCC) nêu rõ, Hạm đội Biển Đen sẽ theo sát những tàu chiến của NATO và các nước tham gia cuộc tập trận Sea Breeze 2021 trên Biển Đen.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nghi ngờ rằng, cuộc tập trận Sea Breeze 2021 sẽ trở thành “vỏ bọc” cho các hoạt động cung cấp đạn dược và vũ khí hiện đại cho quân đội Ukraine cũng như các lực lượng dân tộc chủ nghĩa đóng quân gần hai khu vực Donetsk và Lugansk vốn không nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Kiev./.
Thu Lan (Theo Reuters, aljazeera, TASS)