Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo sau Hội nghị Tham vấn an ninh Hàn-Mỹ (SCM) lần thứ 50 tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc cá nhân ông có ủng hộ thỏa thuận an ninh liên Triều hay không, Bộ trưởng Mattis đã xác nhận sự ủng hộ với câu trả lời "Có."
Đây là lần đầu tiên một quan chức hàng đầu của Mỹ công khai ủng hộ thỏa thuận nói trên, vốn được người đứng đầu Bộ Quốc phòng của Hàn Quốc và Triều Tiên ký kết sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 vào tháng 9 vừa qua tại Bình Nhưỡng.
Trước đó, trong tuyên bố chung sau khi kết thúc SCM, Bộ trưởng Mattis và người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo đã chia sẻ quan điểm rằng thỏa thuận quân sự trên cần được thúc đẩy theo hướng góp phần giảm căng thẳng hiện nay và thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố nhấn mạnh Bộ trưởng Quốc phòng Mattis hiểu rõ tầm quan trọng của các biện pháp mà hai miền Triều Tiên nhất trí nhằm xây dựng niềm tin, qua đó củng cố hòa bình tại khu vực này.
Thỏa thuận trên vào gồm việc giải giáp vũ khí tại Khu An ninh chung thuộc Khu vực phi quân sự, rút các trạm gác quân sự của hai nước tại biên giới, đồng thời thành lập các vùng đệm trên không, trên biển và trên mặt đất.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kyeong-doo cho hay trong thời gian tới, Seoul và Washington sẽ đưa ra quyết định về việc liệu có tiếp tục trì hoãn các cuộc tập trận chung giữa hai nước hay không.
[Mỹ, Hàn Quốc nhất trí thiết lập nhóm chuyên viên về Triều Tiên]
Ông nêu rõ hai nước sẽ xem xét vấn đề này và đưa ra quyết định cuối cùng trước ngày 1/12 năm nay về khả năng tiến hành các cuộc tập trận lớn vào năm tới.
Trước đó, nhằm thể hiện thiện chí sau cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 6 vừa qua, Mỹ tuyên bố sẽ tạm dừng một số cuộc tập trận với Hàn Quốc, trong đó có cuộc tập trận quy mô lớn mang tên "Người bảo vệ tự do Ulchi" vào Mùa Hè vừa qua.
Tiếp đó, vào tháng 10, Mỹ và Hàn Quốc cũng đã nhất trí trì hoãn một cuộc tập trận dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới nhằm tạo điều kiện cho cuộc đàm phán ngoại giao với Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa./.