Thông điệp trên của ông Tillerson được kỳ vọng là sẽ mở ra cơ hội để cải thiện tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, sau những vụ khẩu chiến gay gắt giữa hai bên cùng với diễn biến mới nhất là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa do Bình Nhưỡng tiến hành vào hôm 29/11. Đây cũng được xem là một sự đảo ngược lập trường của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên bởi từ trước tới nay, Washington luôn yêu cầu Bình Nhưỡng, trước tiên phải ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, đồng thời tỏ rõ thiện trí về giải trừ vũ khí hạt nhân trước khi hai bên cùng ngồi vào bàn đối thoại.

Phát biểu tại một Diễn đàn do Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc và Cơ quan nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức vào ngày 12/12, ông Tillerson nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại vào bất kỳ thời điểm nào mà Triều Tiên muốn đối thoại, và chúng tôi cũng sẵn sàng tiến hành cuộc gặp gỡ đầu tiên mà không đi kèm theo điều kiện tiên quyết nào”. Ngoại trưởng Tillerson cho rằng, trong khuôn khổ các vòng đối thoại, Mỹ và Triều Tiên có thể thảo luận về bất cứ điều gì mà hai bên cảm thấy hứng thú. “Ít nhất thì hai bên cũng đã cùng ngồi xuống và nhìn nhau trực diện. Và sau đó, chúng tôi có thể vạch ra một lộ trình khiến cả hai cùng sẵn lòng hướng về phía trước” – ông Tillerson nêu rõ.

Dù đã tỏ ra thiện chí, song Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo rằng, việc tiến hành đối thoại sẽ trở nên khó khăn nếu như vào giữa chừng, Triều Tiên thực hiện thêm một vụ thử thiết bị mới. “Nếu như chúng ta tiến hành đối thoại, thì chúng ta phải cần đến một khoảng thời gian tĩnh lặng… hoặc tình huống sẽ trở nên rất khó khăn để chúng ta có thể tiến hành thảo luận một cách hữu ích” – Ngoại trưởng Tillerson khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Tillerson cũng phát đi thông điệp rõ ràng rằng, quân đội Mỹ vẫn duy trì trạng thái “sẵn sàng” trong trường hợp cần thiết. Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi các nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên cho tới khi “quả bom đầu tiên được thả xuống”. Hiện ông Tillerson tin tưởng sứ mệnh ngoại giao mà ông đang theo đuổi sẽ mang lại thành quả. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng được cho là đã tuyên bố rằng, ông sẽ thành công nếu như “tới lượt” phải giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Trong tuyên bố ngày 12/12, ông Tillerson đã khẳng định lập trường của Mỹ không công nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời cũng đã hối thúc Trung Quốc tăng cường hành động trong vấn đề này. Mỹ theo đuổi mục tiêu duy nhất là giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Phản ứng trước thông điệp trên của ông Tillerson, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders chỉ tuyên bố ngắn gọn rằng: “Lập trường của Tổng thống về vấn đề Triều Tiên vẫn không thay đổi. Triều Tiên đang hành động một theo cách nguy hiểm không chỉ đối với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc mà còn với thế giới. Các hành động của Triều Tiên không tốt cho bất cứ ai và tất nhiên cũng không tốt đối với cả Triều Tiên”.

Hiện chưa rõ Triều Tiên có đưa ra lời hồi đáp gì sau lời tuyên bố trên của ông Tillerson hay không. Tuy nhiên, phát biểu trước phóng viên tại sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc), ngày 12/12, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Ja Song Nam nêu rõ, Bình Nhưỡng sẽ chỉ tiến hành đối thoại với Washington nếu như những yêu cầu của nước này được chấp nhận. Ông Ja Song Nam không tiết lộ cụ thể những yêu cầu trên là gì, song giới phân tích cho rằng điều này có thể đã được Triều Tiên đề cập tới trong một bài xã luận đăng trên tờ Rodong Sinmun hồi tháng trước, bao gồm việc kêu gọi Mỹ đảo ngược các chính sách với Triều Tiên và công nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Triều Tiên cho rằng, chính sách thù địch và mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ chính là nguyên nhân dẫn tới tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên./.

Thu Lan (Theo Yonhap, NHK)