Việc hai bên tạm khép lại chu trình căng thẳng tăng thuế-trả đũa suốt hơn 2 năm qua được đánh giá là tích cực, giúp thế giới tránh khỏi một cuộc đối đầu gay gắt giữa hai đầu tàu tăng trưởng kinh tế, tuy vậy không có nhiều nhà phân tích kỳ vọng Mỹ-Trung sẽ nhanh chóng hóa giải mâu thuẫn đã tích tụ hàng thập niên, ít nhất là dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Các vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ không giới hạn trong thương mại-đầu tư, mà lĩnh vực này chỉ là mặt trận dễ thấy và tạo ra nhiều hiệu ứng nhất của cuộc đọ sức giữa hai cường quốc.
Quan hệ giữa hai nước không đơn thuần chỉ có những bất đồng, mà nó liên quan đến vị thế lãnh đạo thế giới.
Giữa một nước Mỹ giữ vững vị thế siêu cường thế giới duy nhất kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và một Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, ngày nay giới phân tích hay đề cập tới khái niệm “bẫy Thucydices.”
Khi có một cường quốc nổi lên đe dọa thay thế vị trí của siêu cường, chiến tranh nổ ra là điều tất yếu.
Washington và Bắc Kinh chắc chắn nhận thức được nguy cơ này. Chiến tranh sẽ không có lợi cho bất kỳ ai và cả hai đều cố tránh, nhưng dù muốn dù không, hai bên sẽ phải lao vào cuộc chạy đua chiến lược gay gắt.
Đó là thực tế đã diễn ra khá lâu trước khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, nó chỉ trở nên công khai và quyết liệt hơn kể từ khi nhà tỷ phú địa ốc bước chân vào Nhà Trắng.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cuộc đọ sức Mỹ-Trung đã bước vào giai đoạn căng thẳng với bản chiến lược an ninh quốc gia mới, công bố tháng 12/2017, theo đó Mỹ chính thức coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược.”
Về phía Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không giấu giếm tham vọng đưa nước này vươn lên đứng đầu thế giới, trước hết là về kinh tế và công nghệ, bắt đầu bằng kế hoạch Made in China 2025 với mục tiêu tự chủ về công nghệ, thay cho việc phải dựa vào các công nghệ cốt lõi của phương Tây như hiện nay.
Chính sách tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sang thị trường Mỹ và sau đó là đòn trả đũa của Bắc Kinh, như là một hệ quả tất yếu đi liền sau những tuyên bố hùng hồn của Tổng thống Trump.
Các vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ không giới hạn trong thương mại-đầu tư, mà lĩnh vực này chỉ là mặt trận dễ thấy và tạo ra nhiều hiệu ứng nhất của cuộc đọ sức giữa hai cường quốc.
Đi xa hơn, trên mặt trận công nghệ, thành phần cứng rắn trong chính quyền Mỹ muốn chặn đứng sự phát triển của Trung Quốc bằng cách giảm bớt, thậm chí chặt đứt dây chuyền chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư nước ngoài.
Kế hoạch này, nếu thực hiện được, sẽ thay đổi cơ bản tiến trình toàn cầu hóa. Trung Quốc là một trong những nước tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất thế giới, Washington cáo buộc Bắc Kinh ép các tập đoàn quốc tế chuyển giao công nghệ đổi lấy quyền tiếp cận thị trường.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh (Trung Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhiều hãng, trước sức hấp dẫn và lợi nhuận từ thị trường khổng lồ trên một tỷ dân, đã gật đầu chấp nhận. Trong một thời gian dài, chính sách này đã tạo điều kiện để Trung Quốc tích lũy được rất nhiều công nghệ hữu ích tạo đà cho sự phát triển công nghiệp và điều đó khiến nhiều tập đoàn Mỹ tức giận.
Đồng thời, Mỹ cũng tìm cách đẩy lùi xu hướng Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng đối với hệ thống tiêu chuẩn công nghệ quốc tế, được coi là một yếu tố then chốt để thống trị ngành công nghiệp tương lai.
Việc Washington tìm mọi cách tấn công các tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc, bắt đầu là ZTE và gần đây là Huawei, nằm trong chiến lược này.
Trong nhiều năm, nhà khổng lồ thiết bị điện thoại xuất phát từ Thâm Quyến đã lần lượt vượt mặt hàng loạt tên tuổi lớn của phương Tây và vươn lên thành tập đoàn cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
Đối với Mỹ, mối lo ngại không phải là doanh số của Huawei, ước tính gần 100 tỷ USD, mà là khả năng tập đoàn này sẽ giành lợi thế tuyệt đối trong việc áp đặt tiêu chuẩn của mình lên hệ thống viễn thống 5G toàn cầu, từ đó chi phối hệ thống Internet kết nối vạn vật trong tương lai.
Quyết liệt không kém là sức ép về quân sự và chiến lược. Những ngày gần đây, khi cuộc chiến thương mại tạm thời hạ nhiệt, giới chức Mỹ vẫn không ngừng chỉ trích Trung Quốc “bắt nạt” các nước láng giềng trên Biển Đông.
Tướng về hưu Daniel Schaeffer, nguyên Tùy viên quân sự Pháp tại Trung Quốc, Việt Nam, hiện là chuyên gia phân tích của trung tâm nghiên cứu Asie21 (Pháp), nhận định chính sách đối với Biển Đông và cả biển Hoa Đông nằm trong chiến lược tổng thể của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mặc dù mục tiêu của Mỹ tại Đông Nam Á không hoàn toàn trùng khớp với các nước trong khu vực.
Theo ông Schaeffe, Mỹ và một số nước, như Nhật Bản, quan tâm tới việc chống lại sự trỗi dậy của một đối thủ có khả năng cản trở tự do lưu thông, tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Dù lợi ích của ASEAN và Mỹ không hoàn toàn giống nhau, cả hai đều có điểm chung là phản đối bất kỳ quốc gia nào hành xử theo kiểu bá quyền trên toàn bộ Đông Nam Á.”
Trước sự mở rộng quân sự của Trung Quốc, Washington ráo riết vận động các nước phương Tây đặc biệt chú ý tới sự xuất hiện của “một nguy cơ mới” từ châu Á.
Tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một dẫn chứng cho thấy cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung có thể kéo nhiều nước đồng minh của Washington cùng tham gia, dù hiện nay tất cả mới chỉ là giai đoạn đầu tiên.
Nhiều nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong khoảng 10-15 năm nữa. Không chỉ coi Trung Quốc là đối thủ đủ sức thách thức vị thế siêu cường của mình, những vấn đề liên quan tới ý thức hệ, do mô hình chính trị và xã hội của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với phương Tây, cũng là lý do cơ bản khiến đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ Mỹ đồng thuận rộng rãi về sự cần thiết phải “ngăn chặn ngay lập tức xu thế trỗi dậy của người khổng lồ phương Đông.”
Mỹ tiếp tục chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phong tỏa các tập đoàn công nghệ lớn, tấn công vào dự án “Vành đai, con đường” mà Trung Quốc cố gắng thúc đẩy trong gần một thập niên qua.
Thực tế này cho thấy thỏa thuận thương mại giai đoạn một chưa phải là kết cục cho cuộc chiến thương mại nói riêng và cuộc chạy đua chiến lược nói chung.
Một cửa hàng của Huawei ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hai nước tiến tới được thỏa thuận vì cả hai đều muốn thu được ít nhiều lợi ích. Căng thẳng leo thang có nguy cơ kéo thế giới vào thời kỳ tăng trưởng chậm lại.
Trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị bước vào năm bầu cử, Tổng thống Trump rất muốn duy trì đà đi lên của kinh tế Mỹ, vì đây sẽ là lập luận quan trọng nhất giúp ông giành chiến thắng giữa lúc đang phải vật lộn với cuộc điều tra luận tội do đảng Dân chủ khởi xướng.
Trung Quốc thì cần giữ nhịp điệu tăng trưởng cao, ít nhất trên 6%. Gần đây, nền kinh tế nước này bộc lộ nhiều dấu hiệu đáng lo ngại, xuất khẩu giảm tháng thứ tư liên tiếp, trong khi Trung Quốc còn phải giải quyết tình hình bất ổn tại Hongkong.
Nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, rất có khả năng một cuộc tấn công mới sẽ tiếp tục được kích hoạt, dù lãnh đạo hai nước tuyên bố sẽ bắt tay ngay vào đàm phán giai đoạn hai để giải quyết tranh cãi thương mại song phương.
Washington vẫn đòi hỏi Bắc Kinh tiến hành các cải tổ cơ cấu, chấm dứt trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước, mở cửa thị trường mua sắm công cho doanh nghiệp nước ngoài, chấm dứt ép buộc chuyển giao công nghệ. Rất ít khả năng ban lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận các yêu sách trên.
Tuy các biện pháp của Mỹ tỏ ra cứng rắn, nhiều ý kiến cho rằng Washington thiếu chiến lược nhất quán trong cuộc chạy đua chiến lược. Việc Mỹ quay lưng lại với lực lượng người Kurd, đối tác quan trọng của phương Tây trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và đặc biệt là công khai ý định cải thiện quan hệ với Nga, chỉ trích NATO cũng khiến cho các nước lo ngại về những cam kết của Washington.
Trong khi vận động các đồng minh và đối tác ngăn chặn sự mở rộng quân sự của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương, Tổng thống Trump lại đơn phương rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nhiều ý kiến lo ngại cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung nếu kéo dài sẽ có nguy cơ phát triển tới một mức buộc các nước trong khu vực phải chọn đứng về một bên, điều mà không một quốc gia có chủ quyền nào mong muốn.
Tổng thống Mỹ cũng không tham dự nhiều diễn đàn khu vực trong 2 năm qua, trong đó có hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Thái Lan tháng 11 vừa qua.
Đối với các nước Đông Nam Á, việc Mỹ tăng cường can dự trong mấy năm gần đây được tiếp nhận từ nhiều hướng. Có ý kiến cho rằng sự tham gia của nhiều cường quốc sẽ tạo động lực quan trọng để giải quyết các vấn đề lớn của khu vực, từ chống biến đổi khí hậu, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông, duy trì cân bằng chiến lược trong khu vực.
Nhưng cũng nhiều ý kiến lo ngại, vì cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung nếu kéo dài sẽ có nguy cơ phát triển tới một mức buộc các nước trong khu vực phải chọn đứng về một bên, điều mà không một quốc gia có chủ quyền nào mong muốn.
Bên cạnh đó, mâu thuẫn Mỹ-Trung trên lĩnh vực kinh tế-thương mại sẽ kéo theo sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới, làm thay đổi chuỗi cung ứng và sản xuất, trong khi hầu hết các nước khu vực đều là nền kinh tế hướng sang xuất khẩu./.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hạ nhiệt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao