Nguồn tin trên cho biết, hơn 800 binh sỹ cùng tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường Aegis, một số tàu chiến và máy bay quân sự đã được huy động tham gia vào cuộc diễn tập kéo dài 3 ngày tại vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thì mục tiêu của cuộc diễn tập này nhằm tăng cường khả năng ứng phó một cách hiệu quả từ 3 nước kể trên trước các mối đe dọa tàu ngầm từ Triều Tiên, đặc biệt là các tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm (SLBM) do Triều Tiên đang phát triển.
Trong khuôn khổ cuộc diễn tập, lực lượng của 3 nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ sẽ được thực hành các kỹ năng “tìm kiếm, phát hiện, lần theo một con tàu ngầm giả định và trao đổi các thông tin liên quan”.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nêu rõ, cuộc diễn tập hải quân chống tàu ngầm lần này là sự kiện đầu tiên được tổ chức kể từ sau vòng đối thoại quốc phòng ba bên (DTT) diễn ra vào tháng 12/2016. Cuộc diễn tập này cũng được xem là một sự kiện nhằm thể hiện rõ “quyết tâm mạnh mẽ” của ba nước trong việc ứng phó với các mối đe dọa về hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.
Cuộc diễn tập hải quân chung giữa 3 nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản diễn ra vào thời điểm tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau các vụ thử tên lửa do chính quyền Bình Nhưỡng thực hiện trong thời gian gần đây cùng các thông tin cho rằng Triều Tiên có thể đang chuẩn bị tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân mới.
Tháng 2/2017, Triều Tiên đã phóng 4 quả tên lửa đạn đạo từ vùng biển phía Đông với 3 quả tên lửa trong số này đã rơi xuống gần lãnh thổ Nhật Bản. Triều Tiên tuyên bố vụ phóng tên lửa này nhằm mục tiêu “tập dượt” cho một cuộc tấn công vào các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản.
Tháng 8/2016, Triều Tiên tuyên bố phóng thành công một quả tên lửa SLBM có tầm bắn 500 km về phía Nhật Bản. Đáng chú ý là tầm bắn của quả tên lửa này đã vượt xa giới hạn của các vụ phóng trước đó và được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un ca ngợi là “một sự thành công vĩ đại”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc sở hữu hệ thống SLBM được trang bị sức mạnh hạt nhân sẽ giúp năng lực tên lửa của Triều Tiên được cải thiện, cho phép nước này triển khai tên lửa ở các khu vực nằm ngoài bán đảo Triều Tiên và nâng cao khả năng phòng thủ trong trường hợp phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, Triều Tiên có khả năng đã phát triển SLBM nhanh hơn so với dự kiến, song vẫn còn khoảng cách nhiều năm ở phía trước để có thể triển khai được các hệ thống này./. Thu Lan (Theo PressTV, Yonhap, AFP)