Trả lời phỏng vấn chương trình Fox News ngày 22/10, Tổng thống Trump nêu rõ: "Tôi đã nói rằng họ vẫn tiếp tục duy trì việc giao dịch thương mại với Iran. Họ thực sự là những người bạn của tôi."
Đề cập đến các giao dịch thương mại giữa Pháp, Đức với Iran, ông cho biết Nhà Trắng không muốn can thiệp vào các thỏa thuận làm ăn giữa châu Âu và Iran khi tuyên bố rằng các nước này cứ "làm điều mình muốn."
Trước đó, Ngoại trưởng Rex Tillerson khi trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal số ra ngày 20/10 đã tuyên bố chính quyền Tổng thống Donald Trump không có ý định cắt đứt giao thương của châu Âu với Iran trong bối cảnh hoạt động trao đổi thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Iran đã tăng mạnh kể từ sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với các cường quốc có hiệu lực hồi tháng 1/2016. Kim ngạch thương mại giữa EU và Iran năm 2016 là khoảng 16 tỷ USD.
Tuy nhiên, cũng chính Ngoại trưởng Tillerson, phát biểu trước báo giới trong chuyến thăm tới Riyadh (Saudi Arabia) nhằm tìm kiếm một sự đột phá trong cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh, tuyên bố Mỹ hy vọng các công ty cũng như các nước châu Âu sẽ cùng với Mỹ thực thi cơ chế trừng phạt Iran. Theo ông Tillerson, bất kỳ cá nhân nào, thực thể nào - các công ty châu Âu hoặc các công ty khác trên toàn cầu tiến hành buôn bán với Lực lượng Vệ binh cách mạng của Iran, sẽ thể gặp rủi ro lớn.
Tổng thống Trump từ chối xác nhận Tehran tuân thủ thỏa thuận JCPOA- một tín hiệu cho thấy ông chủ Nhà Trắng đang hướng tới cách tiếp cận cứng rắn hơn với Iran liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Động thái của Tổng thống Trump cũng đồng nghĩa với việc trong 60 ngày tới, Quốc hội Mỹ sẽ quyết định có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận vốn đã được dỡ bỏ để đổi lại việc Iran hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân hay không. Mặc dù một số cường quốc phương Tây cũng có cùng một số quan ngại với Mỹ song đều cho rằng nên đối thoại để giải quyết và cảnh báo về những ảnh hưởng tiêu cực nếu Washington hủy bỏ JCPOA hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đã được gỡ bỏ.
Trong khi đó, về phần mình EU bày tỏ quyết tâm duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran, coi thỏa thuận này là cần thiết để thuyết phục Triều Tiên trở lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của mình./.