Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đối thoại. (Ảnh: Yonhap)

Trả lời phỏng vấn báo chí, ngày 4/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Anna Richey-Allen nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên kiềm chế trước những hành vi và lời nói mang tính khiêu khích, gây bất ổn, đồng thời đưa ra sự lựa chọn chiến lược nhằm thực thi đầy đủ các cam kết, nghĩa vụ quốc tế và quay trở lại các vòng đàm phán nghiêm túc”.

Tuyên bố trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 2/6 vừa thông qua nghị quyết 2356, bổ sung 4 quan chức và 14 thực thể Triều Tiên vào “danh sách đen” sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một loạt các vụ phóng thử tên lửa và tỏ rõ quyết tâm tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Đây là lần thứ 7 cơ quan quyền lực Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên kể từ sau vụ thử hạt nhân đầu tiên do Bình Nhưỡng thực hiện vào năm 2006. Đáng chú ý là bản nghị quyết mới nhất đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua chỉ 6 tháng sau khi cơ quan này đưa ra các biện pháp tương tự nhằm phản ứng trước vụ thử hạt nhân lần thứ 5 do Triều Tiên thực hiện vào tháng 9/2016. Tuy nhiên, bản nghị quyết 2356 có một số nét khác biệt so với các bản nghị quyết trước đây, khi chỉ mở rộng các đối tượng thuộc diện trừng phạt, thay vì đưa ra các biện pháp mới. Việc thực thi các lệnh trừng phạt mở rộng này sẽ do Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đảm nhiệm.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Triều Tiên, ngày 4/6 đã ra tuyên bố bác bỏ các động thái gia tăng sức ép mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, xem bản nghị quyết 2356 là một “hành động mang tính thù địch, nhằm mục đích kiềm chế hoạt động xây dựng các lực các lực lượng hạt nhân của Triều Tiên, tước đoạt vũ khí và siết chặt kinh tế của nước này”. Triều Tiên nêu rõ nước này sẽ không lùi bước trước con đường xây dựng các lực lượng hạt nhân và khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo cho tới khi nào Mỹ và các nước đồng minh đưa ra quyết định đúng đắn.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao an ninh châu Á lần thứ 16, còn gọi là Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 diễn ra ở Singapore ngày 4/6, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin đã bày tỏ lập trường mang tính nguyên tắc cho rằng, những tham vọng hạt nhân của Triều Tiên đã trở thành một mối đe dọa trực tiếp đối với Nga và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.  Tuy nhiên, đại diện ngoại giao này cũng lưu ý thêm rằng, mọi biện pháp trừng phạt được đưa ra cần nhằm mục tiêu hối thúc Triều Tiên giải quyết xung đột và tranh cãi một cách hòa bình./.

Thu Lan (Theo Yonhap, PressTV)