Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên do dịch COVID-19 

Hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức y tế địa phương ngày 29/2 cho biết, bang Washington của Mỹ đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên do dịch COVID-19

Cùng ngày, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã triển khai các bước thử nghiệm nhanh đối với chủng virus này trong bối cảnh xuất hiện các ca nhiễm virus không rõ nguồn gốc tại 3 bang ở Mỹ làm dấy lên quan ngại dịch bệnh đang lan rộng tại bờ Tây nước Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 29/2 liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Tổng thống Mỹ  Donald Trump cho biết chính quyền của ông đang xem xét việc áp đặt các hạn chế nhập cảnh tại khu vực biên giới phía Nam, đồng thời sẽ có cuộc gặp với các công ty dược phẩm Mỹ nhằm thảo luận về vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2.

Tổng thống Trump cho rằng ca tử vong đầu tiên do virus SARS-CoV-2 được xác định tại Mỹ là bệnh nhân trước đó có nguy cơ cao về sức khỏe, đồng thời nhận định có thể sẽ có thêm ca nhiễm virus SARS-CoV-2 khác tại Mỹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông khẳng định Mỹ đã chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào xảy ra.

Tại cuộc họp báo, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (Mai Pen-xơ), người được ông Trump chỉ định phụ trách chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, thông báo Mỹ sẽ mở rộng hạn chế đối với khách du lịch từ Iran, đồng thời khuyến cáo người dân Mỹ không nên đi du lịch tại những khu dịch bùng phát tại Hàn Quốc và Italy. Phó Tổng thống Pence cũng cho biết Mỹ sẽ làm việc với Hàn Quốc và Italy nhằm kiểm soát những du khách từ nước này tới Mỹ.

Tham dự cuộc họp báo, các quan chức y tế Mỹ cũng khẳng định nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tại Mỹ vẫn còn thấp, tuy nhiên cảnh báo có thể có những thay đổi nhanh chóng.

Cuộc họp báo trên được tổ chức sau khi Mỹ xác nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19. Trước đó, giới chức Mỹ xác định có 4 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mà không có tiếp xúc với nguồn bệnh. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy nguy cơ lây lan cộng đồng.

Tính tới nay, Mỹ đã có 60 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Hiện Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) chưa khẳng định được mức độ dịch sẽ ở mức nhẹ hay nghiêm trọng khi xâm nhập vào Mỹ nhưng khuyến cáo người dân chuẩn bị tinh thần đối phó với dịch bệnh.

Trước đó, ngày 28/2, Thống đốc bang Oregon của Mỹ, bà Kate Brown (Kết Brao), đã chỉ thị thành lập một lực lượng đặc biệt ứng phó với dịch COVID-19. Lực lượng ứng phó với COVID-19, gồm người đứng đầu hoặc đại diện của 12 cơ quan liên quan tại bang Oregon, sẽ có nhiệm vụ điều phối hoạt động của các cơ quan chính quyền và giới chức y tế để tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Theo bà Brown, mục đích của lực lượng trên là nhằm đảm bảo việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết, phối hợp với giới chức y tế địa phương, các bệnh viện, các đối tác y tế cộng đồng, và các trường học, để đảm bảo rằng bang Oregon hoàn toàn sẵn sàng ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch COVID-19.

 Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Rome, Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy (CPD) thông báo số trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Italy đã vượt quá 1.000 người, lên tới 1.128 ca, tính đến 18h00 ngày 29/2 (theo giờ địa phương), trong đó 29 ca tử vong và 50 ca đã được chữa khỏi. Như vậy, Italy đã trở thành "điểm nóng" COVID-19 lớn thứ ba thế giới về số người nhiễm, sau Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc.

Đa số các trường hợp nhiễm tập trung tại Lombardy (Lom-ba-đi, miền Bắc) với 615 ca, Emilia Romagna (E-mi-li-a Rô-ma-nha) với 217 ca, và Veneto (Ve-ne-tô) với 191 ca.

Người đứng đầu CPD Angelo Borrelli (An-giê-lô Bo-rê-li) cho biết hiện khoảng 1.800 nhân viên thực thi pháp luật và 800 tình nguyện viên của CPD đã được triển khai trên cả nước để hỗ trợ các bác sĩ và nhân viên y tế.

Theo Chủ tịch Viện Y học quốc gia (ISS) Silvio Brusaferro (Xin-vi-ô Bru-xa-phe-rô), hiện còn quá sớm để đánh giá tác động của các biện pháp kiềm chế dịch đang được thực thi. Ông cho rằng số ca nhiễm đến nay có thể liên quan đến những người đã nhiễm trước khi các biện pháp có hiệu lực.
Ngày 29/2, Thủ tướng Giuseppe Conte (Giu-xép Côn-tê) cho biết chính phủ đang xem xét sắc lệnh hỗ trợ kinh tế thứ hai, gồm các biện pháp mang tính quyết định hơn, hỗ trợ toàn bộ hệ thống sản xuất, không chỉ các khu vực tâm điểm vùng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

 Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp với các bộ Nội vụ, Y tế, Cơ sở hạ tầng, Thể thao tại trụ sở Cơ quan Bảo vệ dân sự, Thủ tướng Conte khẳng định tiếp tục triển khai các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, và đang xem xét một sắc lệnh “can thiệp khẩn cấp” khác để hỗ trợ hoạt động sản xuất của tất cả các vùng. Trước đó, ngày 28/2, Chính phủ Italy đã thông qua gói biện pháp hỗ trợ các hộ gia đình, các công ty và các lĩnh vực kinh tế tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Gói biện pháp này tập trung hỗ trợ ngành du lịch, kinh doanh khách sạn; ngừng thu thuế với các doanh nghiệp các nhân khu vực bị cách ly; tạm ngưng thu phí điện nước, gas và môi trường; hỗ trợ lao động tự do lên đến 500 euro/tháng, tối đa 3 tháng; đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận trợ cấp; bổ sung quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và tăng gói hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu lên 350 triệu euro..../. 

 
Theo TTXVN
262 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 463
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 465
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88618023