Trong tuyên bố ngày 24/12, phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc nêu rõ, việc đưa ra các khoản tiết kiệm chi phí quan trọng sẽ giúp thực hiện tốt hơn các ưu tiên của Washington trên phạm vi toàn cầu. Ngoài việc cắt giảm chi phí nêu trên, Mỹ còn hành động theo hướng thúc đẩy các ưu tiên của Mỹ trên thế giới, đồng thời tăng cường kỷ luật và trách nhiệm giải trình trong hệ thống Liên hợp quốc.

Trước đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đạt được nhất trí chung về một khoản ngân sách trị giá 5,4 tỷ USD cho các hoạt động của Liên hợp quốc trong giai đoạn 2016-2017. Đây là khoản tiền riêng rẽ với ngân sách mà Liên hợp quốc dành cho các hoạt động gìn giữ hòa bình – với ước tính lên tới 7,8 tỷ USD trong riêng năm 2017. Như vậy, sau động thái trên của Mỹ, khoản ngân sách hoạt động của Liên hợp quốc giai đoạn 2018-2019 sẽ bị cắt giảm 285 triệu USD.

Theo số liệu thống kê do PolitiFact đưa ra, hiện Mỹ đang hỗ trợ khoảng 22% ngân sách thường niên cho các hoạt động của Liên hợp quốc. Quyết định cắt giảm các khoản viện trợ cho Liên hợp quốc được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống D.Trump đang thực hiện các biện pháp để giảm bớt gánh nặng ngân sách của nước Mỹ.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cho rằng, việc Mỹ cắt giảm ngân sách viện trợ cho Liên hợp quốc là bước tiến lớn hướng đến một con đường đúng đắn. Ngoài ra, bà Haley còn ám chỉ rằng, Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm sâu hơn nguồn viện trợ ngân sách cho Liên hợp quốc trong những năm tới. Tuy nhiên, đại diện ngoại giao này cũng tuyên bố rằng bà sẽ tìm kiếm cách thức để tăng cường tính hiệu quả của Liên hợp quốc trong khi vẫn tiếp tục bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ.

Từ lâu, các thành viên trong đảng Cộng hòa đã kêu gọi Liên hợp quốc hỗ trợ tích cực hơn nữa các chính sách của Mỹ. Những lời chỉ trích của Mỹ nhằm vào Liên hợp quốc lại càng trở nên nặng nề hơn sau khi cơ quan này ủng hộ bản nghị quyết phản đối quyết định gây tranh cãi của Tổng thống D.Trump nhằm thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Trước khi Đại hội đồng Liên hợp quốc triệu tập phiên họp khẩn để bỏ phiếu về bản nghị quyết dự thảo liên quan tới quy chế của Jerusalem vào ngày 21/12, Tổng thống Mỹ đã khuyến cáo sẽ cắt viện trợ cho các nước ủng hộ bản dự thảo này. Thậm chí bà Haley còn gửi thư điện tử tới các nước thành viên liên hợp quốc nhằm yêu cầu các nước này không ủng hộ bản nghị quyết về Jerusalem do Yemen và Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất, đồng thời tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ sẽ “điểm mặt chỉ tên” từng nước ủng hộ văn kiện này.

Tuy nhiên, bất chấp lời cảnh báo của Mỹ, trong phiên họp ngày 21/12, bản dự thảo nghị quyết nhằm bác bỏ quyết định đơn phương của Mỹ về quy chế của Jerusalem đã được 193 nước thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với tỷ lệ áp đảo.

Hiện Guatemala là nước đầu tiên trên thế giới theo Mỹ khi vào ngày 24/12, nước này tuyên bố sẽ rời Đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem, chính thức công nhận thành phố linh thiêng này là thủ đô của Israel. Thông báo trên được Tổng thống Guatemala – ông Jimmy Morales đưa ra sau các vòng đối thoại với Thủ tướng Israel Netanyahu. Guatemala là 1 trong 9 nước bỏ phiếu chống bản dự thảo nghị quyết về Jerusalem trong phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra vào tuần trước và từ lâu cũng được biết đến là nước có mối quan hệ khăng khít với Israel, đặc biệt về các vấn đề an ninh./.

Thu Lan (Theo PressTV, nypost.com)