Mỹ: Cảnh báo về thảm họa kinh tế khi chính phủ đóng cửa một phần 

Giới chuyên gia kinh tế nhận định tình trạng một phần chính phủ Mỹ đóng cửa không chỉ khoét sâu thêm những mâu thuẫn giữa các nghị sỹ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Đồi Capitol, mà còn đang gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới này
Mỹ: Cảnh báo về thảm họa kinh tế khi chính phủ đóng cửa một phần

Thậm chí, nền kinh tế Mỹ còn đối diện với nguy cơ chịu hậu quả tồi tệ hơn nữa nếu thời gian này kéo dài tới “nhiều tháng” như lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc thương lượng với các nhà lập pháp đảng Dân chủ.

Theo phóng viên TTVN tại Mỹ, hầu hết các nhà kinh tế dự báo rằng tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý đầu năm 2019 sẽ sụt giảm. 

Các nghiên cứu chỉ ra ra rằng cứ mỗi tuần một phần chính phủ đóng cửa, tốc độ tăng trưởng của cả quý sẽ giảm từ 0,05-0,1%. Điều này đồng nghĩa với việc tốc độ tăng trưởng GDP của cả quý 1 sẽ giảm từ 0,1-0,2%.

Dựa vào các nghiên cứu trên, nhà kinh tế học Daniel Silver của tổ chức tài chính JPMorgan đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ quý đầu tiên năm 2019 từ 2,25% xuống còn 2%.

Về phần mình, nhà kinh tế trưởng của Pantheon Macroeconomics, ông Ian Shepherdson cảnh báo nếu tình trạng này kéo dài cho tới hết tháng 3, tác động đối với các nhà thầu và các doanh nghiệp liên bang sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều. 

Theo chuyên gia Silver, dù hiện chưa thể đánh giá được tác động vĩ mô của việc đóng cửa một phần chính phủ đối với các hoạt động tư nhân, nhưng chắc chắn nguy cơ ảnh hưởng sẽ tăng lên nếu tình trạng này kéo dài.

[Tổng thống Mỹ bác bỏ đề xuất về tạm thời mở cửa chính phủ]

Bên cạnh dự đoán tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sẽ giảm trong quý 1, một số nhà kinh tế của Bank of America còn bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực khác có thể xảy ra do sự rối loạn chức năng của chính phủ tác động vào tâm lý người tiêu dùng cũng như sự kỳ vọng của người dân Mỹ.

Đến nay, một phần chính phủ Mỹ đã ngừng hoạt động trong 24 ngày liên tiếp, đánh dấu đợt “đóng cửa” một phần chính phủ dài nhất trong lịch sử nước này, khiến 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ phép hoặc làm việc không lương. 

Nguyên nhân chính là do Tổng thống Trump và các nghị sỹ đảng Dân chủ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về khoản chi 5,7 tỷ USD cho bức tường biên giới. Tổng thống Trump yêu cầu khoản chi này phải có trong dự luật ngân sách liên bang, song phe Dân chủ kiên quyết phản đối và tới nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ vấn đề này. 

Ông thậm chí cảnh báo có thể dùng đến quyền hạn của tổng thống để ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để buộc quốc hội thông qua khoản ngân sách gây tranh cãi nói trên. 

Giới phân tích cho rằng tình trạng Chính phủ liên bang Mỹ buộc phải đóng cửa một phần có thể sẽ gây thiệt hại 6 tỷ USD cho nền kinh tế, khoản tiền còn lớn hơn cả ngân sách mà ông Trump đề xuất chi cho dự án xây bức tường ở đường biên giới với Mexico. 

Tuy nhiên, đối với Tổng thống đảng Cộng hòa, khoản ngân sách đề xuất này mang tính chất biểu tượng quan trọng cho những cam kết mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Việc phải rút lại đề xuất này sẽ được xem là thất bại nặng nề của cả đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump trước đảng Dân chủ.

Trong trường hợp gói chi tiêu trên không được thông qua, tất cả chỉ trích sẽ chuyển sang nhằm vào cá nhân ông Trump và đây không phải là điều mà ông chủ Nhà Trắng mong muốn. 

Chính vì thế, mâu thuẫn về khoản 5,7 tỷ USD không phải không thể thỏa hiệp mà nằm ở việc hai bên sẽ đưa ra những nhượng bộ nào và đến mức nào. 

Việc các nghị sỹ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không thể đảm bảo một trong những nhiệm vụ cơ bản là duy trì cho chính phủ hoạt động ổn định, một lần nữa cho thấy sự rạn nứt ngày càng sâu sắc trên chính trường Mỹ cũng như tính chất khốc liệt của cuộc đấu đá chính trị kéo dài hiện nay./.

739 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 227
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 227
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87634772