Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, người đứng đầu Nhà Trắng nhắc lại lập trường cho rằng, bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết năm 2015 – còn có tên gọi khác là bản Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) là không đáp ứng được những mục tiêu cơ bản nhằm chặn đứng mọi khả năng cho phép Iran sở hữu bom hạt nhân. Ông D.Trump cáo buộc Iran đã gia tăng các hành vi khiêu khích kể từ sau thời điểm JCPOA được ký kết, trong đó có việc sử dụng các nguồn quỹ được tiếp cận theo quy định của JCPOA để chế tạo các tên lửa có sức mạnh hạt nhân, tài trợ chủ nghĩa khủng bố và kích động các cuộc xung đột ở Trung Đông hay thậm chí là vượt ra ngoài phạm vi khu vực này.
Tổng thống D.Trump cảnh báo các nước khác trước kịch bản phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng, dựa trên tinh thần của các biện pháp trừng phạt Iran mà Mỹ vừa đưa ra, nếu như không giảm dần các mối liên hệ về kinh tế với Iran.
Theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống D.Trump, các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ nhằm vào Iran sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7/8, gồm các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực công nghiệp thép và xe hơi cùng các hoạt động giao dịch kim loại quý của Iran. Tất cả các doanh nghiệp và các thể chế tài chính nước ngoài vi phạm lệnh trừng phạt sẽ phải đối mặt với các biện pháp gây sức ép từ phía Mỹ. Giai đoạn trừng phạt thứ 2 bắt đầu từ ngày 4/11/2018, nhằm vào các hoạt động giao dịch dầu mỏ và hướng tới mục tiêu cắt giảm lĩnh vực xuất khẩu dầu thô của Iran về mức 0 như lời các quan chức Mỹ từng tuyên bố.
Tổng thống D.Trump cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, chính phủ Mỹ đã áp đặt 14 lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, với 145 cá nhân và và thực thể bị liệt vào bản “danh sách đen trừng phạt”.
Theo dự báo của các nhà phân tích, việc Mỹ khôi phục hiệu lực của các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran không chỉ khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng mà còn có nguy cơ làm gia tăng bất ổn đối với tình hình Trung Đông.
Hiện Iran đã phản ứng mạnh mẽ trước động thái trên của Mỹ thông qua việc cảnh báo đóng cửa eo biển Hormuz một tuyến đường vận chuyển dầu lửa chính của thế giới. Mới đây nhất, vào tuần trước, Lực lượng vệ binh cách mạng Iran đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự tại vùng hải phận lân cận eo biển này.
Phát biểu trên truyền hình chỉ ít giờ sau khi Mỹ tuyên bố áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt chống Iran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh, Trung Quốc, Nga và các nước châu Âu đang đứng về phía nước Cộng hòa Hồi giáo Iran trong vấn đề này. Ông Rouhani cho rằng, hành động này của Mỹ sẽ không chỉ gây tổn hại cho Iran mà còn đối với các nước khác và sẽ khiến chính quyền Washington phải hối tiếc.
Bên cạnh đó, ông Rouhani cũng bác bỏ đề xuất đối thoại của Tổng thống D.Trump, đồng thời kêu gọi Mỹ quay trở lại bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử để có thể phát triển một mối quan hệ tin tưởng với Iran./.
Thu Lan (Theo NHK, PressTV)