Mỹ vẫn tin thỏa thuận hạt nhân Iran là phương án tốt nhất 

Trong phiên điều trần trước Quốc hội, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 không hoàn hảo, nhưng tốt hơn các phương án khác.
Mỹ vẫn tin thỏa thuận hạt nhân Iran là phương án tốt nhất

Ngày 26/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố nước này vẫn tin rằng việc trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran là cách tốt nhất để giải quyết thách thức hạt nhân, trong bối cảnh đàm phán vẫn đang bế tắc.

Đối mặt với những chỉ trích liên quan đến thỏa thuận này trong phiên điều trần trước Quốc hội, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 không hoàn hảo, nhưng tốt hơn các phương án khác.

Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Blinken cho biết Chính phủ Mỹ tiếp tục tin rằng quay trở lại tuân thủ thỏa thuận là cách tốt nhất để giải quyết thách thức hạt nhân Iran, cũng như đảm bảo Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân.

[Bộ Ngoại giao Mỹ nêu điều kiện để nới lỏng trừng phạt đối với Iran]

Ông Blinken lưu ý: "Chúng ta đã thử đề xuất khác, rút khỏi thỏa thuận, cố gây sức ép hơn," song không tạo ra kết quả. Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo Iran đang đẩy nhanh chương trình phát triển hạt nhân.

Trong một phát biểu sau đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng tuyên bố Nhà Trắng lo ngại Iran có thể phát triển một vũ khí hạt nhân trong vài tuần.

Theo bà Jen Psaki, thời gian cần thiết để Iran sản xuất vũ khí hạt nhân đã giảm xuống từ khoảng một năm xuống còn vài tuần.

Năm 2015, Iran ký thỏa thuận hạt nhân, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), với nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức).

Tuy nhiên, tháng 5/2018, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran, khiến nước này từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận trên.

Trong gần một năm qua, Iran và các nước gồm Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc đã tham gia đàm phán trực tiếp tại Vienna nhằm khôi phục thỏa thuận lịch sử. Mỹ tham gia gián tiếp thông qua vai trò điều phối của Liên minh châu Âu (EU).

Mục đích chính của các vòng đàm phán tại Vienna là để đưa Mỹ trở lại thỏa thuận, trong đó có việc thuyết phục Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Tehran và ngược lại, đưa Iran trở lại tuân thủ các cam kết.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng khi Mỹ và Iran tiếp tục đổ lỗi cho nhau gây đình trệ./.

Nguyễn Hằng (TTXVN/ Vietnam+)

 

465 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1240
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1241
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87226122