Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 

Tính đến 8h sáng 25/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 213,94 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 4,46 triệu bệnh nhân đã tử vong.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h sáng 25/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 213,94 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 4,46 triệu bệnh nhân đã tử vong.

Hiện số bệnh nhân phục hồi là hơn 191,43 triệu người.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh với hơn 38,96 triệu ca nhiễm, trong đó 648.126 ca tử vong.

Mặc dù vậy, Giám đốc Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ Anthony Fauci cho rằng nước này có thể kiểm soát được dịch COVID-19 vào mùa Xuân tới nếu tỷ lệ tiêm chủng trong người dân được tăng lên đáng kể.

Theo ông Fauci, nếu đại đa số trong 90 triệu người Mỹ hiện chưa tiêm chủng mà đồng ý tiêm vaccine sau mùa Đông năm nay thì nước Mỹ có thể hy vọng vào việc bắt đầu kiểm soát tốt dịch COVID-19 vào mùa Xuân năm 2022.

Chuyên gia này nhận định khi bước vào mùa Xuân tới, Mỹ có thể bắt đầu trở lại trạng thái bình thường đối với một số hoạt động như nhà hàng, rạp chiếu phim.

Hiện đã có 52% dân số Mỹ được tiêm phòng đầy đủ. Tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn mức kỳ vọng kết hợp với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã khiến nhiều bang tại Mỹ chật vật trong việc ngăn chặn số ca nhập viện gia tăng trong tháng 7 và tháng 8, với một số nơi bị quá tải giường bệnh và trang thiết bị cấp cứu.

Tại châu Á, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác chống dịch COVID-19 của chính phủ nước này, cho biết Nhật Bản đang xem xét mở rộng tình trạng khẩn cấp ra thêm 8 tỉnh, trong đó có đảo Hokkaido ở miền Bắc, để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm gia tăng.

Đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng tình trạng khẩn cấp đối với 13 trong tổng số 47 tỉnh, thành, của nước này, trong đó có thủ đô Tokyo.

Các biện pháp hạn chế sẽ có hiệu lực đến ngày 12/9 nhằm ngăn chặn số ca nhiễm biến thể Delta đang tăng vọt, gây áp lực lên hệ thống y tế.

Tại châu Âu, Anh ngày 24/8 ghi nhận 174 trường hợp tử vong do COVID-19, số ca tử vong theo ngày cao nhất kể từ ngày 12/3, trong khi số ca nhiễm mới trong ngày là 30.838 ca.

Số ca tử vong tăng mạnh được ghi nhận trong ngày qua một phần do khâu báo cáo số liệu dồn lại trong dịp cuối tuần.

Trong tuần qua, Anh đã ghi nhận tổng cộng 705 trường hợp tử vong, tăng 8,8%. Số ca tử vong hàng ngày của Anh đang tăng, nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức trung bình 1.000 ca/ngày giai đoạn đỉnh dịch.

Hiện 77% dân số trưởng thành tại Anh đã tiêm hai liều vaccine ngừa COVID-19. Nước này cũng đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế để phòng dịch từ giữa tháng 7, cho phép người dân đi lại, giao lưu và trở lại công sở làm việc. 

Chính phủ Hy Lạp đã công bố một loạt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với những người chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, nhằm nỗ lực ngăn chặn làn sóng thứ 4 của dịch bệnh.

[Giới chuyên gia đánh giá về mô hình phòng dịch của Trung Quốc]

Bộ trưởng Y tế Vassilis Kikilias tuyên bố những người chưa được tiêm chủng sẽ phải đối mặt với những biện pháp hạn chế mới tại nơi làm việc, trường học, cơ sở giải trí, trung tâm thể thao và hoạt động đi lại, đồng thời phải trả phí thực hiện xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR. Những quy định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 13/9 đến tháng 4/2022. 

Ở khu vực Trung Đông, Bộ Y tế Israel ngày 24/8 thông báo số ca bệnh tại nước này đã vượt quá 1 triệu ca, lên 1.010.055 ca, sau khi có thêm 10.945 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong năm nay. Dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp, lây lan mạnh tại Israel kể từ cuối tháng 6. 

Tại châu Phi, Văn phòng Chính phủ Algeria cho biết Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Aïmene Benabderrahmane đã quyết định nới lỏng thời gian giới nghiêm từng phần, từ 20h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, xuống còn từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau đối với 34 tỉnh thành có liên quan và dỡ bỏ biện pháp đóng cửa các khu giải trí và bãi biển.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 25/8 được đưa ra sau khi số ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày tại Algeria giảm mạnh liên tục trong hơn 2 tuần qua.

Tuy nhiên, Chính phủ Algeria cũng nhắc lại nguy cơ lây lan dịch bệnh, đặc biệt là do biến thể Delta, và yêu cầu mọi công dân tôn trọng một cách nghiêm ngặt các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch do Ủy ban khoa học giám sát sự phát triển của đại dịch COVID-19 ban hành.

Đến nay, Algeria ghi nhận tổng cộng 192.626 ca mắc, trong đó 5.063 ca tử vong. Hiện Algeria đứng thứ 10 trong số những quốc gia châu Phi ghi nhận số ca mắc cao nhất.

Tại châu Mỹ, Cuba ngày 24/8 đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước đến nay với 9.907 ca, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 602.526 ca.

Bộ Y tế nước này cũng thông báo có 92 ca tử vong mới, nâng tổng số người không qua khỏi lên 4.710 người. Hiện số bệnh nhân vẫn đang phải điều trị tại Cuba là 50.371 người./.

Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)

 

189 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1022
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1022
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87190196