Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon bày tỏ tin tưởng rằng, thông qua Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra trong tuần này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang viết lại lịch sử vốn đang trong tình cảnh chia rẽ của dân tộc Triều Tiên.
Phát biểu mở đầu một phiên họp diễn ra ngày 20/9, ông Lee Nak-yon nói: “Hôm nay, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã gặp nhau ngày thứ 3. Ngày hôm qua, hai nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung Bình Nhưỡng và Tổng thống Moon Jae-in đã có bài phát biểu trước 150.000 người dân Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên những sự kiện này diễn ra kể từ khi hai miền Triều Tiên bị chia cắt… Ngày hôm nay, hai nhà lãnh đạo sẽ lần đầu tiên cùng tản bộ lên núi Paekdu – ngọn núi mang ý nghĩa tâm linh của người dân Triều Tiên. Cùng với Hội nghị thượng đỉnh, tất cả những sự kiện này đang làm thay đổi lịch sử”.
“Tại hai Hội nghị thượng đỉnh trước đó, những diễn biến thực tế đã được thúc đẩy nhanh hơn sự tưởng tượng… Giờ đã tới lúc chúng ta mở rộng trí tưởng tượng. Trong khi nhìn nhận thực tế một cách bao quát, chúng ta phải có một lập trường cởi mở về những khả năng có thể xảy ra trong tương lai” – nhà lãnh đạo Hàn Quốc nói, đồng thời bày tỏ thêm rằng, những điều đang diễn ra thậm chí còn tốt hơn cả sự mong đợi.
Ngày 20/9, các phương tiện truyền thông Triều Tiên cũng đồng loạt đưa tin về nội dung bản Tuyên bố chung do Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 vừa diễn ra tại thủ đô Bình Nhưỡng. Trong bản Tuyên bố chung có nội dung quan trọng là hai bên cam kết sẽ xóa bỏ vũ khí hạt nhân và các mối đe dọa hạt nhân khỏi bán đảo Triều Tiên, cùng hành động để hạ nhiệt căng thẳng quân sự, thúc đẩy các hoạt động trao đổi và hợp tác xuyên biên giới.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại cuộc họp báo ngày 19/9 nêu rõ, các vấn đề liên quan tới việc tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ liên Triều đang tạo ra một “sự tiếp nối bền vững”, hướng tới một kỷ nguyên mới của sự hòa giải dân tộc, hòa bình và thịnh vượng. Phát biểu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên tờ KCNA cũng cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra, các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã thảo luận về các biện pháp khả thi nhằm phát triển toàn diện các mối quan hệ liên Triều dựa trên nguyên tắc độc lập dân tộc, ký kết thỏa thuận quân sự, đồng thời nhất trí theo đuổi mục tiêu thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên mà không còn sự hiện hữu của vũ khí hay các mối đe dọa hạt nhân. Tại sự kiện này, các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã thảo luận về các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy các hình thức tiếp xúc, các cuộc đối thoại đa phương, hợp tác và trao đổi con người nhằm tạo ra một xu hướng mạnh mẽ, hướng tới tương lai hòa giải, tái thống nhất dân tộc.
Tờ Rodong Sinmun – cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên cũng đưa tin đậm nét về Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và thông tin chi tiết về chương trình làm việc của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi ở thăm Bình Nhưỡng. Tờ báo này đã dành 3 trang đầu để đăng tải thông tin xung quanh các thỏa thuận mà lãnh đạo hai miền Triều Tiên đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh cùng 20 bức ảnh về sự kiện này. Rodong Sinmun cũng chia sẻ những ý kiến phát biểu của Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại cuộc họp báo chung sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh và đăng toàn văn Tuyên bố chung Bình Nhưỡng.
Ngày 20/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng bày tỏ quan điểm mạnh mẽ ủng hộ và nhiệt liệt hoan nghênh bản Tuyên bố chung mà lãnh đạo hai miền Triều Tiên đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng. Trong thông điệp đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị tin tưởng các bên sẽ không “một lần nữa” để tuột mất cơ hội thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, ngày 19/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra tuyên bố chung hoan nghênh Hội nghị thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, với kết quả thông qua Tuyên bố chung Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, đại diện ngoại giao Mỹ cũng đề cập tới cam kết của Triều Tiên về việc đóng cửa bãi thử tên lửa Tongchang-ri và bãi thử hạt nhân Yongbyon dưới sự giám sát của các thanh sát viên quốc tế.
Đáp lại những tuyên bố trên của Triều Tiên, ông Pompeo cho rằng, Mỹ đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để có thể “ngay lập tức” tham gia vào tiến trình đàm phán để thay đổi các mối quan hệ với Triều Tiên. Ngoại trưởng Pompeo cho biết, ông đã đề nghị gặp gỡ người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho tại New York, bên lề phiên họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào tuần tới để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ cũng đề nghị Triều Tiên cử đại diện gặp Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun tại thủ đô Vienna (Áo) vào một dịp gần nhất.
Trên trang cá nhân, ngày 19/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ca ngợi những cam kết mà các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3. Theo quan điểm của người đứng đầu Nhà Trắng, tại sự kiện này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đồng ý cho phép thực hiện các cuộc thanh sát hạt nhân, đồng ý phá hủy vĩnh viễn bãi thử tên lửa với vai trò tham gia của các chuyên gia quốc tế, đồng thời không tiến hành thử tên lửa hay hạt nhân. Ngoài ra, Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí cùng đăng ký tổ chức Thế vận hội Olympic 2032. Tổng thống D.Trump cho rằng đây là những thông tin “rất thú vị”./.
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)