Mỹ và Anh kêu gọi chấm dứt tình trạng xung đột bạo lực ở Sudan 

Ngoại trưởng Mỹ và Anh nhất trí về sự cần thiết của việc ngừng bắn ngay lập tức và quay trở lại đàm phán nhằm đưa Sudan vào con đường chuyển đổi hoàn toàn sang chính quyền dân sự.
Mỹ và Anh kêu gọi chấm dứt tình trạng xung đột bạo lực ở Sudan

Ngày 17/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Anh James Cleverly kêu gọi "chấm dứt ngay tình trạng bạo lực" ở Sudan khiến gần 100 người thiệt mạng, đồng thời kêu gọi các bên đối lập quay lại đàm phán.

Phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7, ông Blinken cho hay Washington và London nhất trí về sự cần thiết của việc "ngừng bắn ngay lập tức và quay trở lại đàm phán, các cuộc đối thoại rất hứa hẹn trong việc đưa Sudan vào con đường chuyển đổi hoàn toàn sang chính quyền dân sự."

Hãng tin Reuters dẫn số liệu của nghiệp đoàn bác sỹ tại Sudan sáng 17/4 cho biết các cuộc giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) trong 2 ngày qua đã làm ít nhất 97 dân thường thiệt mạng, hơn 590 người bị thương.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo một số bệnh viện ở thủ đô Khartoum, nơi tiếp nhận dân thường bị thương trong giao tranh, sắp cạn kiệt nguồn cung máu, thiết bị truyền máu, dịch truyền và nhiều thiết bị cấp cứu khác.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 16/4 đã lên án giao tranh tại Sudan khiến hàng chục dân thường thiệt mạng, trong đó có 3 nhân viên của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Bắc Darfur, đồng thời yêu cầu nhanh chóng tìm lại công lý cho các nạn nhân.

[Liên đoàn Arab họp khẩn, kêu gọi ngừng bắn lập tức ở Sudan]

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, ra tuyên bố cho biết Tổng thư ký Guterres cũng kêu gọi các bên ở Sudan lập tức ngừng giao tranh và trở lại đối thoại.

Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh cam kết phối hợp với các lãnh đạo khu vực và các bên ở Sudan tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký Guterres cũng đề nghị “các bên tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm nghĩa vụ đảm bảo an toàn và an ninh cho tất cả các nhân viên và tài sản của Liên hợp quốc."

Tình hình tại Sudan làm dấy lên lo ngại trong khu vực. Các nước láng giềng Ai Cập và Cộng hòa Chad đã đóng cửa biên giới với Sudan trong khi các hãng hàng không của Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar đã ngừng các chuyến bay tới Sudan.

Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL), Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD, trong đó Sudan là thành viên) và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích bạo lực và kêu gọi các bên đối thoại nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay./.

(Vietnam+)

 

95 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 982
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 982
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87202584