Dự kiến đây sẽ là lần thứ 3 Mỹ xả kho dự trữ chiến lược nước này trong vòng 6 tháng qua, và là đợt xả lớn nhất trong gần 50 năm của SPR.
Trước đó, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh xả kho dự trữ dầu thô 2 lần, 50 triệu thùng vào tháng 11 năm ngoái và 30 triệu thùng khác vào tháng 3 năm nay. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, SPR của Mỹ hiện lưu trữ 568 triệu thùng, thấp nhất kể từ tháng 5/2002.
Giá dầu ngay lập tức giảm sau thông tin trên. Giá dầu thô WTI có thời điểm giảm hơn 5,5%, giao dịch ở mức 102,2 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giảm 4,2%, giao dịch ở mức 108,3 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng mạnh kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2, sau đó Mỹ và các đồng minh phương Tây liên tiếp đáp trả bằng các lệnh trừng phạt đối với Nga, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới.
Ở một diễn biến liên quan, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng kêu gọi các nước khác mở kho dự trữ dầu để giảm áp lực nguồn cung cho thị trường. Tuy nhiên, hồi đầu năm nay, việc một số nước cùng mở kho dự trữ dầu đã không mang lại nhiều tác động giúp kìm chế đà tăng của giá dầu, vốn đã bắt đầu từ khi nền kinh tế toàn cầu dần khôi phục sau thời gian đình trệ vì đại dịch COVID-19. Trước đó, các nước thành viên IEA đã đồng ý giải phóng hơn 60 triệu thùng dầu dự trữ, trong đó 30 triệu thùng đến từ SPR của Mỹ.
Thông tin Mỹ dự kiến xả kho dự trữ dầu chiến lược được đưa ra trước cuộc họp tuần này của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới và các đối tác (OPEC+). Các bên được cho là sẽ duy trì quan điểm tạm thời chưa dỡ bỏ giới hạn sản lượng ở mức 400.000 thùng/ngày ở thời điểm hiện tại. Trước đó, Mỹ cùng một số quốc gia nhập khẩu dầu đã nhiều lần kêu gọi OPEC+ tung thêm nguồn cung ra thị trường nhằm giúp hạ nhiệt giá dầu.
Tổng thống Joe Biden đã đề cập đến vấn đề nguồn cung và khả năng xả kho dự trữ trong các cuộc gặp cùng các đồng minh châu Âu hồi tuần trước. Ngày 25/3 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ thông báo ký thoả thuận đối tác về năng lượng để giảm dần sự phụ thuộc của EU đối với các nguồn năng lượng hoá thạch từ Nga. Theo thoả thuận, từ nay đến năm 2030, Mỹ cam kết mỗi năm cung cấp cho EU 50 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Các quốc gia EU đã và đang đề xuất kế hoạch mới để giảm dần sự phục thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga. Theo số liệu của EU, Nga hiện cung ứng 40% tổng lượng khí đốt, 27% lượng dầu và 46% lượng than tiêu thụ tại EU./.
H.Hà (Theo Reuters, Bloomberg)