Mỹ, Nhật Bản củng cố quan hệ đồng minh 

(ĐCSVN) – Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào trưa 23/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tán thành kế hoạch tăng cường khả năng quốc phòng của Nhật Bản, trong bối cảnh hai đồng minh cam kết hợp tác chặt chẽ để tạo đối trọng trước sự gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á.
Mỹ, Nhật Bản củng cố quan hệ đồng minh

Tại cuộc hội đàm, ông J.Biden đã tái khẳng định cam kết bảo vệ Nhật Bản, khẳng định liên minh Mỹ - Nhật đóng vai trò “nền tảng” đối với hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tin tưởng rằng, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) mà ông sắp công bố sẽ mang lại các lợi ích cụ thể cho khu vực này.

Về phía Thủ tướng Kishida hoan nghênh chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, đồng thời mong muốn hai đồng minh thể hiện vai trò đi đầu trong việc đảm bảo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên luật lệ.

Tuyên bố do Nhà Trắng đưa ra cùng ngày cho biết, hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ để giải quyết các thách thức an ninh, đồng thời thúc đẩy hợp tác về các vấn đề ở phạm vi song phương, khu vực và toàn cầu.

Cũng trong khuôn khổ cuộc hội đàm diễn ra trưa 23/5, hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm ứng phó với các hành vi đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Hãng truyền thông NHK Nhật Bản nhấn mạnh, nhân cuộc hội đàm, ông J.Biden đã tỏ lập trường ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Phát biểu trước khi bắt đầu hội đàm với ông Kishida ở Cung điện Akasaka tại trung tâm thủ đô Tokyo, ông J.Biden khẳng định: “Quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật từ lâu đã đóng vai trò trụ cột đối với hòa bình và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì đầy đủ các cam kết đối với an ninh Nhật Bản”.

Trong các ngày từ 20 - 24/5, Tổng thống Mỹ J.Biden có chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khuôn khổ chuyến công du châu Á đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng kể từ sau khi nhậm chức vào tháng 1/2021.

Ngoài cuộc gặp của nhóm bộ tứ QUAD (gồm: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), một diễn biến “điểm nhấn” khác trong chuyến công du châu Á lần này của nhà lãnh đạo Mỹ là ông sẽ công bố sáng kiến IPEF nhân cuộc một sự kiện dự kiến diễn ra vào ngày 24/5. Đây là một cam kết kinh tế giữa Mỹ với các đối tác và được xem như sự thay thế cho việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay là CPTPP).

IPEF là một cơ chế nhằm  thắt chặt ràng buộc giữa các nước tham gia hơn thông qua các tiêu chuẩn chung trong các lĩnh vực bao gồm khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và thương mại kỹ thuật số. Hiện Nhật Bản mong muốn Mỹ tái gia nhập CPTPP, nhưng tín hiệu từ Washington đến nay cho thấy kịch bản này khó được thực hiện./.

 
T.Lan (Theo NHK, DW, alarabiya)
345 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 761
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 761
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87217116