Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Phụ trách Các Vấn đề An ninh Quốc tế Celeste Wallander cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hy vọng sẽ chứng minh cho Moskva thấy rõ liên minh quân sự này chỉ sẵn sàng tự vệ thay vì tìm cách kích động xung đột trực tiếp với Nga.
Phát biểu ngày 24/1 tại Trung tâm Chính sách Caspian, khi được hỏi NATO làm cách nào để lên kế hoạch tăng cường an ninh ở khu vực Biển Đen mà không rơi vào thế đối đầu trực tiếp với Nga, quan chức Lầu Năm Góc tuyên bố NATO sẽ theo đuổi mục tiêu này theo các quyết định và chỉ thị của các nhà lãnh đạo sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Madrid (Tây Ban Nha) năm 2022 và hội nghị tại Vilnius (Litva) năm 2023.
Tháng 7/2023, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Vilnius, các nhà lãnh đạo của liên minh quân sự này đã thông qua kế hoạch triển khai 300.000 quân ở sườn phía Đông NATO, cùng với sự hỗ trợ lớn từ hải quân và không quân.
Bình luận về kế hoạch trên, bà Wallander khẳng định đó là năng lực phòng thủ nhằm chứng tỏ NATO có thể và sẽ tự bảo vệ mình, chứ không nhằm kích động chiến tranh với Nga.
Ngoài ra, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển Hàng đầu Thế giới (G7) đã thông qua Tuyên bố về Bảo đảm An ninh Lâu dài cho Ukraine.
Tuyên bố này sau đó đã thu hút thêm nhiều nước tham gia.
Đặc biệt, Tuyên bố hứa hẹn trang bị cho Ukraine tiềm năng quân sự to lớn. Về điều này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov coi quyết định này là “cực kỳ sai lầm và tiềm ẩn nguy hiểm,” vì bằng cách này, G7 đã xâm phạm an ninh quốc gia của Nga./.
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda đưa ra đề xuất về việc thành lập các căn cứ thường trực của NATO gần biên giới với Nga và hủy bỏ một thỏa thuận giữa Nga và NATO từ năm 1997.