Mỹ: Gần 90.000 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện điều trị trong 24 giờ 

(Chinhphu.vn) - Theo công cụ truy vết COVID-19, số bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ phải nhập viện điều trị trong 24 giờ qua đã lên tới gần 90.000 người, mức cao nhất trong 16 ngày tăng liên tiếp.
Mỹ: Gần 90.000 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện điều trị trong 24 giờ
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 27/11 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới có 61,28 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi ghi nhận thêm hơn 530.000 ca trong 24 giờ qua. Tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới đã lên tới 1,43 triệu ca. Hiện còn 17,46 triệu ca đang phải điều trị, trong đó số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tích cực chiếm 0,6%.

Trong 24 giờ qua, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 - tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong ở mức cao, với 104.976 ca nhiễm mới và 1.271 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt 13,24 triệu ca và 269.520 ca.

Theo công cụ truy vết COVID-19, số bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ phải nhập viện điều trị trong 24 giờ qua đã lên tới gần 90.000 người, mức cao nhất trong 16 ngày tăng liên tiếp. Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ dự báo số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong 4 tuần tới, dự báo vào khoảng 10.600 ca đến 21.000 ca trong tuần kết thúc ngày 19/12. Đặc biệt, các trung tâm điều dưỡng dài hạn ở Mỹ đã ghi nhận thêm khoảng 3.000 ca tử vong trong 1 tuần. Trong khi đó, số ca nhiễm mới tới các trung tâm chăm sóc sức khỏe dài hạn điều trị COVID-19 trên toàn nước Mỹ tăng 50% (khoảng 46.153 ca) trong 1 tuần qua. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/11 cho biết việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 sẽ bắt đầu được tiến hành trong tuần tới và tuần kế tiếp. Phát biểu trực tuyến với các binh sĩ Mỹ đồn trú tại nước ngoài nhân ngày Lễ Tạ ơn, Tổng thống Trump thông báo vaccine ngừa COVID-19 trước tiên sẽ được chuyển đến những nhân viên tuyến đầu, các nhân viên y tế và người cao tuổi. 

Toàn khu vực Bắc Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận hơn 122.671 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở khu vực này lên 15,44 triệu ca.

Khu vực Nam Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 61.538 ca nhiễm và 1.288 ca tử vong. Riêng Brazil chiếm gần 60% số ca nhiễm mới trong ngày toàn khu vực. Đến nay, tổng số ca nhiễm tại Brazil là 6,20 triệu ca, chiếm khoảng 57% tổng số ca nhiễm của toàn khu vực. 

* Châu Âu trong 24 giờ qua ghi nhận 223.212 ca nhiễm mới, trong đó Italy ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất (29.003 ca), tiếp sau là Nga (25.487 ca), Đức (21.576 ca) và Anh (17.555 ca). Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay toàn châu Âu đã ghi nhận tổng cộng 16,49 triệu ca nhiễm và 376.470 ca tử vong.

Đặc biệt, Nga đã vượt Pháp về số người mắc COVID-19, quay trở lại là tâm dịch lớn thứ tư thế giới. Cụ thể, tổng số ca mắc COVID-19 tại Nga hiện là gần 2,188 triệu trường hợp. Ngày 26/11, Nga ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao kỷ lục với 25.487 ca. Trên 38.000 người đã tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này.

Thị trưởng thành phố Moskva Sergei Sobyanin chủ trương sẵn sàng tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 và đang chờ nguồn cung vaccine lớn. Ông Sobyanin cho biết không có kế hoạch phong tỏa thủ đô Moskva mặc dù Nga đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cũng như con số tử vong hàng ngày cao ở mức chưa từng có trong vài tuần qua.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 26/11 cho biết Đức có thể tiến hành đợt tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những đối tượng ưu tiên ngay trước Giáng sinh năm nay, nhưng cảnh báo các biện pháp hạn chế tại Đức sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng.

Bộ Y tế Pháp xác nhận, nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho người dân từ cuối năm 2020. Chính phủ Pháp sẽ cố gắng minh bạch trong mọi quy trình triển khai cũng như báo cáo về hiệu quả vaccine. Nguyên nhân là do khảo sát đang cho thấy, người dân Pháp đặc biệt hoài nghi về khía cạnh an toàn của vaccine. Hiện nay, chỉ có 59% người dân phản hồi là sẽ tiêm. Ước tính, để vaccine có hiệu quả, ít nhất 90% người dân Pháp phải được tiêm phòng. Đến nay, Pháp ghi nhận trên 2,183 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 50.900 người tử vong.

* Châu Á trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 108.844 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 16,23 triệu ca. Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất với hơn 9,3 triệu ca. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao (42.054 ca). 

* Tại châu Phi, tổng số ca nhiễm đã lên tới 2,13 triệu. Nam Phi - quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19 tại châu lục này - ghi nhận thêm 3.069 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 778.571 ca.

 *Trong khi đó, tại Australia, người dân nước này sẽ được tận hưởng một mùa Giáng sinh gần như bình thường với các cuộc tụ họp gia đình hay đi mua sắm, ăn uống khi tỷ lệ mắc COVID-19 đang trở lại mức rất thấp. Ngoài ra, Chính phủ Australia đang xây dựng lộ trình mở cửa biên giới và khôi phục hoạt động du lịch quốc tế với điều kiện tiên quyết là người nhập cảnh phải có giấy xác nhận đã tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19, nếu không sẽ phải thực hiện cách ly 2 tuần hoặc đồng ý tiêm chủng tại chỗ. Australia tin tưởng sẽ có vaccine phòng COVID-19 vào đầu năm 2021.

BT

294 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 481
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 481
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88676739