Ngày 1/7, Mỹ cảnh báo duy trì “sức ép tối đa” cho tới khi Iran “thay đổi tiến trình hành động” sau khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif xác nhận lượng dự trữ urani làm giàu của nước này đã vượt phạm vi giới hạn của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), mà Tehran đã ký với các cường quốc phương Tây.
Trong một tuyên bố, Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết: “Sức ép tối đa sẽ được duy trì đối với Iran cho tới khi các nhà lãnh đạo của quốc gia này thay đổi tiến trình hành động.” Bà Grisham đồng thời cho biết chính quyền Iran phải chấm dứt “tham vọng” cũng như hành vi của mình.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Zarif nêu rõ Iran đã vượt hạn mức 300kg dự trữ urani theo thỏa thuận JCPOA. Ông cũng cảnh báo Iran sẽ làm giàu urani ở cấp độ trên 3,67% nếu các nước châu Âu không cứu vãn được thỏa thuận hạt nhân.
Sau đó, viết trên trang mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Zarif khẳng định: “Chúng tôi không vi phạm thỏa thuận hạt nhân quốc tế, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).”
Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran cho rằng “điều 36 của thỏa thuận hạt nhân giải thích lý do tại sao. Chúng tôi đã hành động và vận dụng theo điều 36 sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Chúng tôi đã cho E3+2 vài tuần trong khi bảo lưu quyền của mình. Cuối cùng, chúng tôi đã hành động sau 60 tuần. Ngay khi E3 tuân thủ nghĩa vụ của họ, chúng tôi sẽ đảo ngược quyết định của mình.” E3 bao gồm Anh, Pháp và Đức, trong khi E3+2 bao gồm cả Nga và Trung Quốc, hay còn gọi là P5+1.
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 quy định Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Bên cạnh đó, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.
Theo JCPOA, Iran sẽ phải hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran./.
Ngọc Biên (TTXVN/Vietnam+)