Lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ ngày 18.7 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào 18 cá nhân và tổ chức Iran với lý do họ ủng hộ lực lượng Vệ binh cách mạng Iran phát triển các trang thiết bị quân sự, sản xuất linh kiện điện tử hoặc liên quan đến việc trộm chương trình phần mềm của Mỹ, phương Tây để bán cho Iran.

Theo lệnh trừng phạt mới, tất cả các cá nhân và tổ chức trên bị phong tỏa tài sản và giao dịch ở Mỹ.

Mỹ còn nhấn mạnh "quan ngại sâu sắc các hoạt động nguy hại của Iran tại Trung Đông, làm suy yếu an ninh, ổn định và thịnh vượng tại khu vực". Theo Nhà Trắng, Iran đang ủng hộ các lực lượng Hezbollah ở Li Băng, phong trào Hamas ở Palestine, chính quyền tổng thống Syria Bashar al- Assad và lực lượng Houthi ở Yemen.

Lệnh trừng phạt trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thừa nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và nhóm P5 +1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015. Tuy nhiên, Washington cho rằng Tehran vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được tinh thần của thỏa thuận nên Washington phải tìm cách gia tăng sức ép.

Đây là lần thứ hai Mỹ thừa nhận Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, dù trong lúc tranh cử ông luôn gọi đây là thỏa thuận tồi tệ nhất và đe dọa sẽ hủy bỏ. Hồi tháng 2, Mỹ cũng đã áp lệnh trừng phạt kinh tế lên 25 cá nhân và thực thể có liên quan đến chương trình tên lửa Iran sau khi nước này thử tên lửa đạn đạo.

Iran phản ứng gay gắt, tuyên bố đáp trả

Ngay sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới, Iran đã lên án gay gắt và tuyên bố đáp trả bằng việc trừng phạt các cá nhân và tổ chức Mỹ có hành động chống lại người dân Iran và người Hồi giáo.
 

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif - Ảnh: Thegreatmiddleeast.com

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh các lệnh trừng phạt mới của Mỹ "đầu độc bầu không khí" và vi phạm tinh thần của thỏa thuận hạt nhân. Ông cho rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ là “vô nghĩa” và “phi lý”.

"Người Mỹ muốn làm suy yếu năng lực và sức mạnh của chính quyền Iran", Tướng Amir Ali Hajizadeh, người đứng đầu chương trình phát triển tên lửa và máy bay của quân đội Iran, nói. "Chúng tôi đề xuất có các hành động trả đũa thích đáng”. 

Cũng trong ngày 18/7, Quốc hội Iran đã ngay lập tức bỏ phiếu cho phép tăng ngân sách cho chương trình tên lửa cũng như Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran mà Washington cáo buộc là gây bất ổn tại khu vực. 

Iran là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận hạt nhân. Lợi ích từ thỏa thuận này đang dần dần tác động đến Iran. Dưới thời ông Obama, ngoại trưởng lúc bấy giờ John Kerry thường gặp các ngân hàng châu Âu để khuyến khích họ mở lại các giao dịch với Tehran. Rõ ràng, Iran cần tiếp tục thỏa thuận này trong khi chính quyền của ông Trump mong muốn một cuộc đàm phán lại.

Tuy nhiên, ông Zarif không kỳ vọng sẽ có một cuộc đàm phán mới. Ông Zarif cho rằng, một cuộc đàm phán mới không hề có triển vọng và Iran cũng không có ý định đàm phán lại.

Thu Thủy (Theo Reuters, NYTimes)