Mỹ-Anh-Australia cam kết với IAEA về công nghệ tàu ngầm hạt nhân 

IAEA nêu rõ, Mỹ-Anh-Australia đã thông báo rằng "mục đích chính của quan hệ hợp tác này là duy trì sức mạnh của cơ chế không phổ biến hạt nhân và uy tín của Australia về việc này"
Mỹ-Anh-Australia cam kết với IAEA về công nghệ tàu ngầm hạt nhân

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 16/9 cho biết Australia, Anh và Mỹ đã thông báo với cơ quan này về quan hệ đối tác an ninh giữa 3 nước, theo đó Australia được tiếp cận công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.

Tuyên bố của IAEA nêu rõ các nước trên đã thông báo rằng "mục đích chính của quan hệ hợp tác này là duy trì sức mạnh của cơ chế không phổ biến hạt nhân và uy tín của Australia về việc này" và 3 nước sẽ cam kết với IAEA trong thời gian tới.

Trước đó cùng ngày, Australia cho biết sẽ phát triển 8 tàu ngầm hạt nhân, sau khi nước này cùng Mỹ và Anh công bố thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh 3 bên (có tên gọi AUKUS) ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo AUKUS, Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân.

Như vậy, Australia sẽ là nước thứ hai được tiếp cận công nghệ của Mỹ để đóng tàu ngầm hạt nhân, sau khi Anh được tiếp cận công nghệ này năm 1958.

[Phản ứng của EU về thỏa thuận đối tác an ninh mới của Mỹ-Anh-Australia]

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết các tàu ngầm sẽ được đóng tại Adelaide với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh, đồng thời khẳng định Australia sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục tuân thủ tất cả các nghĩa vụ không phổ biến hạt nhân.

Động thái trên đã vấp phải phản ứng của Pháp - nước có một hợp đồng sản xuất tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD với Australia song hợp đồng này đã bị hủy.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng đây là "sự phản bội" sau khi nước này đã xây dựng một quan hệ tin cậy với Australia.

Ông cũng nhấn mạnh "đây không phải cách các đồng minh đối xử với nhau."

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cũng cho rằng "đây là một sự việc nghiêm trọng" xét khía cạnh địa chính trị và quan hệ quốc tế.

Phát biểu về việc này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết ngành công nghiệp quốc phòng của Anh sẽ có một cú hích mới từ hợp đồng chế tạo tàu ngầm hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh thỏa thuận này không phải là sự "phản bội" Pháp.

Trung Quốc cũng phản ứng về thỏa thuận đối tác an ninh nói trên giữa Mỹ, Anh và Australia, cho rằng động thái này gây tổn hại hòa bình và an ninh khu vực.

Phát biểu họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh Trung Quốc sẽ theo dõi sát tình hình./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

 

237 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1313
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1313
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87161203