Khai thác thủy sản (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tuy nhiên, sau 13 năm triển khai thực hiện, một số quy định trong Luật Thuỷ sản 2003 chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của ngành thủy sản, chưa phù hợp với thực tiễn trong bối cảnh hội nhập quốc tế, không còn phù hợp với các luật mới có liên quan.

Bên cạnh đó, sự phát triển ngành thủy sản chưa bền vững; năng lực, kinh nghiệm quản lý và đầu tư trang thiết bị phục vụ cho kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thuỷ sản còn hạn chế; nguồn lợi thuỷ sản đang có dấu hiệu suy giảm, môi trường sống của các loài thuỷ sản có nguy cơ bị ô nhiễm… là những thách thức lớn đối với ngành thuỷ sản cần phải giải quyết. Để khắc phục được các bất cập nêu trên; đồng thời, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và phát triển thủy sản nói riêng; đặc biệt là Nghị quyết 09-NQ/TW năm 2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 26-NQ/TW năm 2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, việc tiến hành sửa đổi Luật Thuỷ sản 2003 là hết sức cần thiết.

Theo tờ trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), quan điểm chỉ đạo sửa đổi Dự án Luật thủy sản phải đáp ứng được 5 yêu cầu bao gồm: Phải thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và nhà nước về lĩnh vực thuỷ sản, phù hợp với chiến lược phát triển và cơ cấu lại ngành theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Kế thừa được Luật Thủy sản 2003, các nội dung sửa đổi, bổ sung phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khắc phục được những hạn chế, bất cập; Bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; Thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; Đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính; tăng cường phân cấp cho địa phương; xã hội hóa tối đa các dịch vụ công.

Dự án Luật gồm có 8 Chương, 100 điều (trong đó, kế thừa 12 điều; sửa đổi 50 điều; bổ sung mới 38 điều) với nhiều điểm mới như quy định về Tổ chức cộng đồng quản lý hoạt động thủy sản; đổi tên Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản thành Quỹ Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Quy định cấp hạn ngạch giấy phép và thay đổi thời hạn, tiêu chí của giấy phép thai thác thủy sản; Xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá; Thay đổi phương thức quản lý thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản từ quản lý Danh mục sang quản lý theo điều kiện và tiêu chuẩn, quy chuẩn; Quy định quản lý đối với sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản không dùng làm thực phẩm; Quy định về kiểm ngư trung ương và kiểm ngư cấp tỉnh tại 28 tỉnh, thành phố ven biển..

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) của Quốc hội cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên Ủy ban cũng đề nghị cơ quan chủ trì cần lưu ý, bổ sung làm rõ một số nội dung như khai thác thủy hải sản ngoài vùng biển Việt Nam cho phù hợp, thống nhất; có 01 chương riêng về quản lý nhà nước trong hoạt động thủy sản trên cơ sở tách Điều 7 và quy định rõ hơn về chức năng, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan.

Cùng với đó, cần làm rõ hơn những chính sách phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh quốc phòng; đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực trong chuỗi các hoạt động thủy sản, phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững; xem xét, bổ sung quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ... ; xem xét các quy định về quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản đảm bảo tính khả thi và các nội dung liên quan khác như giao, cho thuê, thu hồi đất, mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; quản lý tàu cá, dịch vụ hậu cần trong khai thác thủy sản; chợ đầu mối thủy sản...

Dự kiến, Dự án Luật Thủy sản sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV./.

Mạnh Hùng