Đây là vấn đề được đặt ra tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ được tổ chức chiều 20/8.
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về bổ nhiệm cán bộ, trong đó, nổi lên trường hợp Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định vừa qua được cho là "bổ nhiệm thần tốc". Trả lời phóng viên, ông Trương Hải Long – Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) nhấn mạnh quan điểm của Bộ Nội vụ liên quan đến bổ nhiệm lãnh đạo phải theo chủ trương chung của Đảng là kiên quyết thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, do vậy, đối với trường hợp phát hiện ra sai phạm trong công tác cán bộ, Bộ Nội vụ đều có tham mưu. Trong quá trình kiểm tra, phát hiện hoặc từ thông tin báo chí nêu, bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xử lý, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.
Về vụ việc bổ nhiệm ở Bình Định, ông Long cho hay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và tỉnh đã có những biện pháp để tổ chức kiểm tra ngay, nếu phát hiện sai phạm thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xử lý theo thẩm quyền. "Bộ Nội vụ với tư cách là cơ quan tham mưu chính, quản lý chung cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo giao các bộ, ngành địa phương thực hiện. Qua theo dõi, trên cơ sở kết quả báo cáo của Bình Định nếu thấy chưa phù hợp thì chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định" - ông Long nhấn mạnh.
Về câu hỏi có hay không tình trạng lợi dụng chính sách thu hút cán bộ, đặc biệt là thu hút cán bộ trẻ ở các bộ, ngành, địa phương để “cài cắm”, bổ nhiệm người nhà, người thân, ông Long khẳng định quan điểm chung trong thực hiện công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay là tất cả các cấp ủy đảng, các cơ quan đều phải thực hiện nghiêm theo các quy định. Đối với chính sách thu hút cán bộ trẻ, theo ông Long, trước đây, qua thanh tra, kiểm tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ nhận thấy do quy định của trung ương chưa cụ thể nên có bộ, ngành, địa phương tự đặt ra quy định nhưng có chính sách “vượt rào”. “Việc này nếu mang tính hỗ trợ chính sách thì không sao nhưng thu hút cán bộ trẻ của tỉnh mà trái với quy định của trung ương thì qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ đều kiến nghị sửa đổi”, ông nhấn mạnh.
Trao đổi thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, có 3 câu hỏi đặt ra là: Tại sao có đối tượng rất muốn vào nhà nước? Tại sao lại có một số trường hợp rời cơ quan nhà nước ra ngoài? Nhà nước có phải cần cạnh tranh với những loại hình khác không? “Vì hiện nay nhiều tổ chức nước ngoài thu hút được nhân sự cao cấp, nhân tài vào làm việc, nên nếu chúng ta không có chính sách tốt, cạnh tranh thì không thu hút được người tài” – Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, vừa qua Chính phủ đã ra Nghị định 140 về chế độ chính sách thu hút sinh viên xuất sắc và nhà khoa học trẻ. Khi thiết kế, Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề cập đế làm thế nào thu hút thực sự và có chế độ tốt để giữ chân người tài. “Thiết kế thứ nhất là đối tượng dứt khoát phải xuất sắc, trong độ tuổi trẻ là tiến sĩ, thạc sĩ. Thứ hai là do trong đội hình này có thể có tiến sĩ giấy, thạc sĩ giấy, đào tạo từ xa không chuẩn nên đặt ra lọc thứ hai là có bài báo nước ngoài, hay công trình nghiên cứu được cấp thẩm quyền đánh giá; khi học phổ thông đã là người tài… Thứ ba là hàng năm cập nhật theo dõi suốt quá trình từ phổ thông và công khai, khi đó ai học tốt học giỏi sẽ biết ngay. Ngoài việc đủ tiêu chuẩn, ưu tiên tuyển dụng thẳng, không phải thi, nhưng sau khi xem xét để đồng bộ trong hệ thống công chức viên chức cả nước thì chúng tôi thiết kế tham mưu cho Chính phủ là chế độ chính sách về tiền lương… Điều này tức là có sự đãi ngộ, thu hút, đặc biệt có sàng lọc để không bị cài cắm, đưa vào chọn những người không thực sự xuất sắc”.
Cũng tại họp báo, phóng viên báo chí đặt câu hỏi: Bộ Công an vừa thực hiện sắp xếp lại bộ máy theo hướng bỏ cấp tổng cục. Việc này được dư luận đồng tình ủng hộ, tuy nhiên, dư luận cũng không khỏi băn khoăn khi Bộ bỏ Tổng cục nhưng lại hình thành nhiều cục với bộ máy khá lớn, có cục mới thành lập có 13 cục phó với 21 đơn vị cấp phòng, ban trực thuộc. Như vậy liệu có đảm bảo về số lượng cấp phó theo quy định cũng như nguyên tắc tinh gọn bộ máy khi sắp xếp?
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, khi thực hiện sáp nhập thì “cái được rất lớn và chắc chắn được thì chúng ta mới làm”, khi sắp xếp phải có thời kỳ quá độ, đặc biệt là chính sách về cán bộ.
Theo ông, ở nước ngoài thì sắp xếp một cộng một bằng hai rất rõ, thậm chí có sự ganh đua, một năm có bao nhiêu người ra khỏi bộ máy. Trong khi, cán bộ của chúng ta được rèn luyện, học tập, phấn đấu cả một quá trình lâu dài của tập thể, nhân dân xây dựng lên chứ không phải như ở nước ngoài. Vì vậy khi sắp xếp, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm nên có độ trễ một chút”.
Bà Đào Thị Hồng Minh thông tin tại họp báo. (Ảnh: KT)
Làm rõ thêm vấn đề, bà Đào Thị Hồng Minh, Vụ phó Vụ Tổ chức biên chế cho biết, thực hiện Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và kế hoạch số 07 của Bộ Chính trị, Bộ Công an là một trong những bộ đi đầu trong việc xây dựng sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả. Bộ Công an đã xây dựng Đề án và trình Bộ Chính trị thông qua. Bộ Chính trị đã cho chủ trương và đồng ý bỏ tổng cục thuộc Bộ Công an.
Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định 01 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Bộ Công an theo hướng bỏ 6 tổng cục và 96 cục thuộc tổng cục; đồng thời thành lập thêm một số cục mới.
Bà nhấn mạnh: “Đương nhiên khi sắp xếp lại vậy thì số lượng cấp phó cao hơn so quy định. Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng đã cho ý kiến chỉ đạo, số lượng cấp phó các cục của Bộ Công an có thể cao hơn so với quy định nhưng đến năm 2021, sau khi triển khai thực hiện phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Bộ Công an cũng đã cam kết thực hiện việc này”./.
Kim Thanh