Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 26/7 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 194.789.102 ca, trong đó 4.174.476 ca tử vong và 176.742.859 ca đã được chữa khỏi.
Trong ngày hôm qua, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới là 13.103 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên 35.198.750 ca, trong đó 626.761 ca đã tử vong.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch là 38.153 ca. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 31.409.639 ca, trong đó 420.996 ca đã tử vong. Ngày hôm qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 411 ca tử vong vì dịch COVID-19.
Brazil vẫn là quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 19.688.663 ca và số ca tử vong là 549.924 ca. Đứng thứ tư về số ca nhiễm là Nga với 6.126.541 ca, trong đó 153.874 ca đã tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở quốc gia này là 24.072 ca.
Với 5.993.937 ca nhiễm, Pháp theo sát Nga là quốc gia đứng thứ năm thế giới về số ca nhiễm, trong đó 111.622 ca tử vong. Ngày hôm qua, nước này ghi nhận 15.242 ca nhiễm mới.
Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (60.488.978ca), vượt xa châu Âu (50.730.711ca). Tiếp đến là Bắc Mỹ với 41.825.286 ca và Nam Mỹ với 35.128.536 ca. Châu Phi (6.519.050 ca) và châu Đại Dương (95.820 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
|
Bệnh nhân ngủ trong lều cấp cứu tại bệnh viện ở Sleman, Yogyakarta, Indonesia ngày 4/7.
Ảnh: The Jakarta Post
|
Tại châu Á, biến thể Delta đang lây lan nhanh tại nhiều nước, đặc biệt khu vực Đông Nam Á.
Indonesia ghi nhận số ca mắc mới trong ngày 25/7 cao nhất khu vực với 38.679 ca, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 3.166.505 ca, trong đó 83.279 ca đã tử vong. Hiện Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil, trở thành quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất thế giới. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này được cho là cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Những ngày gần đây, Indonesia đang trở thành tâm dịch COVID-19 ở châu Á và nhiều chuyên gia cảnh báo rằng tình hình này đang tạo ra những điều kiện cho sự xuất hiện của một biến thể virus SARS-COV-2 còn nguy hiểm hơn Delta. Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ hàng đầu người Indonesia, nhận định: "Các biến thể mới luôn xuất hiện ở những khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính thì nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát. Tại Indonesia, con số này cao hơn 10% trong khoảng 16 tháng ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là trên 30%. Vì thế rất có khả năng xuất hiện một biến thể mới hoặc siêu biến thể".
Trong bối cảnh đó, Indonesia quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế cấp độ 4 đối với các hoạt động cộng đồng từ ngày 26/7-2/8/2021 với một số điều chỉnh quy định liên quan đến các hoạt động cộng đồng và đi lại để đảm bảo phòng dịch và duy trì hoạt động kinh tế, động lực xã hội của cộng đồng.
Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 17.045 ca nhiễm mới trong ngày 25/7, trong đó có tới 17.039 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 1.013.438 ca.
Thái Lan cũng ghi nhận 15.335 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 497.302 ca. Bộ Y tế Thái Lan đang có kế hoạch chuyển 8,5 triệu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 tới những địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao trong thời gian tháng 8 và tháng 9, phục vụ công tác xét nghiệm người có nguy cơ lây nhiễm cao tại các vùng dịch./.
Song Anh