Biến thể virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh xuất hiện lần đầu tháng 12/2020 và hiện đã lan rộng ra hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, biến thể virus được phát hiện từ Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 50-70%. Tuy nhiên, các vaccine hiện hành vẫn có khả năng phòng vệ cao đối với loại biến thể này.
Một biến thể khác có nguồn gốc từ Brazil hiện đã xuất hiện tại 8 nước đang được nghiên cứu về khả năng lây lan.
Đáng lo ngại hơn cả là biến thể virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi đã lây lan ra hơn 31 quốc gia trên thế giới. Các nghiên cứu cho thấy vaccine của Pfizer – BioNTech và Moderna tạo ra biến thể yếu hơn để chống lại virus biến thể từ Nam Phi. Novavax và johnson & Johnson cũng tuyên bố vaccine của họ có hiệu quả thấp hơn với biến thể này. Ví dụ như vaccine của Novavax hiệu quả 86% đối với biến thể tại Anh nhưng hiệu quả đối với biến thể tại Anh giảm xuống chỉ còn 60%.
Trong bối cảnh trên, Tiến sỹ Anthony Fauci, Cố vấn y tế trưởng của chính quyền Mỹ cho biết các nhà khoa học đang nghiên cứu nâng cấp các vaccine hiện hành để chống lại các biến thể, đặc biệt biến thể ở Nam Phi là gây quan ngại hơn cả.
Ngày 1/2, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lo ngại rằng các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể đang tích trữ các liều vaccine phòng COVID-19 để chủng ngừa cho những người đã được tiêm mũi thứ nhất, cho rằng điều này không nên xảy ra.
Liên quan tới tiến độ làm việc của nhóm chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc, ngày 1/2, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO tuyên bố, nhóm chuyên gia của WHO điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đang có các cuộc thảo luận hiệu quả với những đồng nghiệp Trung Quốc.
Trước đó, ngày 1/2, nhóm chuyên gia của WHO đã đến thăm Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) của tỉnh Hồ Bắc, nơi đại dịch lần đầu được phát hiện năm 2019. Nhóm chuyên gia của WHO đến Vũ Hán ngày 14/1 và dự kiến sẽ thực hiện cuộc điều tra kéo dài nhiều tuần. WHO nêu rõ chuyến công tác này thuần túy là về khoa học để làm rõ cách thức lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Tân Hoa xã đưa tin các nhà khoa học của WHO sẽ tiến hành nghiên cứu chung với các nhà khoa học Trung Quốc về nguồn gốc virus.
Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 2/2 cho thấy, hiện toàn thế giới có 75.711.358 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 97% tổng số ca mắc). Trong số 25.957.548 ca bệnh đang điều trị thì có 25.854.933 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 107.624 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
|
Australia dự kiến hoàn thành chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 10/2021. (Ảnh: The Australian ) |
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 30.389.719 trường hợp, trong đó có 706.795 ca tử vong và 17.132.685 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 117.378 ca nhiễm và 3.656 ca tử vong mới vì COVID-19.
Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 141.640 ca nhiễm COVID-19 và 2.589 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 30.779.524 và 656.398 trường hợp. Sau nhiều tháng chật vật chiến đấu với dịch bệnh, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới, với tổng số 26.911.296 ca nhiễm và 454.213 ca tử vong vì COVID-19. Tiếp theo sau là Mexico, với tổng cộng 1.864.260 và 158.536 ca ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 783.589 ca nhiễm và 20.136 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 2/2, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 23.157.231 trường hợp, với 373.712 ca tử vong và 21.607.868 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.175.651 ca bệnh đang điều trị thì có 23.462 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 8.587 ca nhiễm mới COVID-19, tiếp tục củng cố vị trí “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm (10.767.206 ca).
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 52.368 ca nhiễm và 1.516 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 15.944.890 trường hợp, với 417.423 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Argentina, Peru… với lần lượt: 9.230.016; 2.104.506; 1.933.853; 1.142.716… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 2/2, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.598.610 trường hợp, trong đó có 91.582 ca tử vong và 3.085.586 ca bình phục. Trong tổng số 421.442 ca đang điều trị thì có 2.721 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.456.309 ca nhiễm COVID-19 và 44.399 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 2.548 ca nhiễm và 235 ca tử vong. Trong một nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch bệnh, Nam Phi ngày 1/2 đã tiếp nhận lô vaccine đầu tiên gồm một triệu liều AstraZeneca do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất, dự kiến sẽ được sử dụng để tiêm chủng cho các nhân viên y tế tuyến đầu, bắt đầu từ giữa tháng 2 này.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 49 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 7 ca ở Australia, 41 ca ở French Polynesia, 1 ca ở Papua New Guinea. Hiện khu vực này ghi nhận 50.222 ca nhiễm và 1.077 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 28.818 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.101 ca./.