Ngày 7/12, Quốc hội Litva đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 15/1/2022 tại biên giới với Belarus và các trại dành cho người di cư.
Quyết định này cho phép lực lượng biên phòng Litva cấm tất cả các hoạt động đi lại trong vòng 10km từ biên giới Belarus. Người di cư có thể bị tịch thu điện thoại di động và các hoạt động tập trung đông người gần biên giới và ở các trại có thể bị cấm.
Bộ Nội vụ Litva tuần trước cho biết có khoảng 10.000 người di cư bất hợp pháp đã ở Belarus, đồng thời cho rằng những người này có thể sẽ tìm cách vượt biên giới vào Litva.
Trước đó, ngày 9/11, Litva đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới với Belarus, nơi hàng trăm người di cư tập trung. Tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trong một tháng và được áp dụng trong một khu vực rộng 5km dọc biên giới với Belarus và cả trong các trại di cư. Theo đó, các lực lượng biên phòng được phép sử dụng nhiều biện pháp an ninh để ngăn người di cư vào Litva và việc đi lại của người dân tại khu vực cũng bị hạn chế trong thời gian này.
[EU đề xuất biện pháp giải quyết vấn đề người di cư ở biên giới Belarus]
Trong một diễn biến liên quan, một máy bay của hãng hàng không Iraq chở khoảng 400 người di cư nước này đã khởi hành từ sân bay quốc tế Minsk của Belarus để tới Erbil, thủ phủ khu vực người Kurd ở Iraq. Tổng cộng 417 hành khách, trong đó có 2 trẻ nhỏ, đã đăng ký lên chuyến bay này để về nước.
Kể từ khi bắt đầu các chuyến bay hồi hương vào giữa tháng 11 vừa qua, hơn 3.000 người di cư Iraq ở Belarus đã được đưa về nước trong khi vài ngàn người khác vẫn cắm trại ở biên giới Belarus-Ba Lan với hy vọng nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU).
Theo kế hoạch, ngày 8/12, chuyến bay đầu tiên chở người di cư Syria sẽ khởi hành từ Minsk để tới thủ đô Damascus của Syria.
Liên quan đến căng thẳng xung quanh vấn đề người di cư từ Belarus, ngày 7/12, Thủ tướng nước này Roman Golovchenko nhấn mạnh những quốc gia áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm gây áp lực với Belarus sẽ không đạt được mục đích khi Minsk luôn có một đồng minh như Nga.
Thủ tướng Golovchenko đưa ra tuyên bố trên trong cuộc gặp với người đứng đầu vùng Bashkortostan của Nga, Rady Khabirov.
Nhà lãnh đạo Belarus khẳng định sự phối hợp của nước này với Nga sẽ chống lại được mọi áp lực, đồng thời cho biết việc tăng cường quan hệ với các khu vực của Nga “là một trong những ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Belarus”./.
Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)