Ngày 2/9, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrel đã bày tỏ hài lòng khi các đối tác Libya quyết tâm thực hiện thỏa thuận ngừng bắn.
Trong chuyến thăm đầu tiên đến Libya kể từ khi nhậm chức, ông Borrell đã gặp Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA - được quốc tế ủng hộ) Fayez Serraj, cùng Chủ tịch Hạ viện Aguila Saleh thuộc Quốc hội miền Đông Libya.
Ông tái khẳng định EU ủng hộ một giải pháp chính trị do người Libya làm chủ nhằm giải quyết cuộc xung đột tại nước này.
Các cuộc thảo luận tập trung vào nỗ lực hòa giải cần thiết và giảm leo thang, bao gồm việc thực thi lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc và đảm bảo vai trò của EU trong thực thi lệnh giám sát cấm vận trên đối với Libya.
Chuyến thăm của Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Borrell đến Libya diễn ra sau khi Thủ tướng Serraj và Chủ tịch Hạ viện Saleh đạt được một thỏa thuận vào ngày 21/8 vừa qua.
Thỏa thuận dự kiến một lệnh ngừng bắn, vấn đề hồi hương các chiến binh nước ngoài, các phương thức dỡ bỏ lệnh phong tỏa dầu mỏ và khởi động lại tiến trình chính trị dẫn đến một loạt cải cách và cuối cùng là khả năng về một cuộc bầu cử công bằng.
[Thủ tướng Libya nhấn mạnh cam kết thực thi lệnh ngừng bắn mới]
Theo truyền thông EU, ông Borrell đánh giá cao việc các đối tác Libya quyết tâm và cam kết theo đuổi định hướng này, đồng thời thực hiện các nguyên tắc trong khuôn khổ tiến trình Berlin do Liên hợp quốc lãnh đạo.
EU mô tả tiến trình Berlin là "khuôn khổ quốc tế duy nhất mang lại cơ hội thực tế" cho cuộc đối thoại chính trị cần thiết để sớm chấm dứt xung đột tại Libya.
Tiến trình Berlin về Libya bắt đầu vào năm 2019 với nỗ lực của Đức và ông Ghassan Salame - đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc vào thời điểm đó. Tháng 1/2020, một hội nghị với thành phần tham dự rộng rãi đã diễn ra tại Berlin để thúc đẩy sự đồng thuận và đảm bảo môi trường quốc tế cho các cuộc đàm phán nội bộ tại Libya.
Ngày 21/8 vừa qua, GNA được Liên hợp quốc công nhận và lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông đã tuyên bố các lệnh ngừng bắn riêng rẽ trên khắp cả nước.
Bên cạnh đó, GNA kêu gọi phi quân sự hóa thành phố chiến lược Sirte đang trong tình trạng tranh chấp giữa các lực lượng đối lập, hối thúc LNA tự xưng chấm dứt lệnh phong tỏa mỏ dầu, đồng thời kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 3/2021.
Từ năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. GNA, kiểm soát thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, lực lượng LNA hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ. Hiện cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang nổi lên là những nhà trung gian hòa giải chính trong cuộc xung đột tại Libya./.
Kim Chung (TTXVN/Vietnam+)