Ngày 12/11, Liên minh châu Âu (EU) đã bật đèn xanh cho 13 dự án quốc phòng mới nhằm phát triển thêm các vũ khí độc lập với Mỹ.
Theo kế hoạch được các Bộ trưởng Quốc phòng EU nhất trí tại Brussels (Bỉ), các nước thành viên sẽ bắt đầu dự án về tàu tuần tra mới, vũ khí điện tử gây nhiễu dành cho máy bay và công nghệ theo dấu tên lửa đạn đạo.
Các dự án trên đã mất nhiều tháng để hoàn tất việc đàm phán.
Ước tính có khoảng 47 dự án quốc phòng của EU đang được triển khai trong khuôn khổ thỏa thuận mà Pháp, Đức và 23 nước thành viên khác trong EU ký kết vào cuối năm 2017 nhằm hỗ trợ tài chính, phát triển và triển khai các lực lượng vũ trang, sau khi Anh quyết định rút khỏi khối.
Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm "dậy sóng" giới chóp bu phương Tây khi cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang "chết não" - ám chỉ trong tình trạng tê liệt, do sự thiếu phối hợp giữa châu Âu và Mỹ, cũng như những hành động gây hấn ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên quan trọng trong NATO.
[Liên minh châu Âu công bố 500 triệu euro cho các dự án quốc phòng]
Tổng thống Macron cảnh báo rằng: "Theo quan điểm của tôi, châu Âu có khả năng tự vệ, thậm chí có thể làm bất cứ điều gì nếu thúc đẩy phát triển khả năng phòng thủ."
Mặc dù có tới 22 nước thành viên EU nằm trong NATO, song khối này vẫn hy vọng có thể thiết lập quỹ vũ trang trị giá hàng tỷ euro kể từ năm 2021, trong đó đòi hỏi các nước thành viên EU hợp tác thiết kế và sản xuất các xe tăng, tàu và xây dựng công nghệ mới.
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nhận định khoản đầu tư quốc phòng hiện nay của khối là chưa đủ và chưa hiệu quả, khi EU đang đầu tư vào 20 loại máy bay chiến đấu, trong khi con số này của Mỹ là 6.
Pháp hiện đang tham gia tới 60% trong 47 dự án về quốc phòng, phát triển vũ khí của EU. Trong các dự án mới nhất, Pháp sẽ đứng đầu kế hoạch phát triển công nghệ theo dấu tên lửa đạn đạo trên không, cùng Tây Ban Nha và Thụy Điển phát triển vũ khí điện tử gây nhiễu dành cho máy bay chiến đấu.
Với Italy, Pháp cùng sẽ phát triển nguyên mẫu tàu quân sự mới, còn được biết đến là tàu tuần tra châu Âu. Ngoài ra, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Điển sẽ cùng xúc tiến triển khai hệ thống chống tàu ngầm mới nhằm bảo vệ lãnh hải và thúc đẩy trao đổi liên lạc.
Pháp hiện cũng đang đi đầu trong các dự án phát triển trực thăng mới của châu Âu./.
Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)