Ngày 24/10/1945, Liên hợp quốc – tổ chức đa phương lớn nhất thế giới được thành lập – đánh dấu một bước phát triển mang tính lịch sử trong quan hệ quốc tế hiện đại, mở ra một thời kỳ mới trong việc giải quyết, ngăn ngừa xung đột quốc tế, gìn giữ hòa bình.
Liên hợp quốc được thành lập với 4 mục tiêu là: Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế; Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; Xây dựng LHQ làm trung tâm điều hoà các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.
Các nguyên tắc hoạt động chủ đạo của LHQ quy định trong Hiến chương là: Bình đẳng về chủ quyền quốc gia; Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; Cấm đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; Thực hiện các nghĩa vụ quốc tế; Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.
Trải qua 75 năm phát triển, LHQ trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập trên khắp hành tinh. Vai trò và hoạt động của LHQ được mở rộng về mọi mặt, nỗ lực hoạt động hướng tới thực hiện các tôn chỉ mục đích đã được đề ra, qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và từng dân tộc.
Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập năm 1945, LHQ hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 6 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban kinh tế - xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tỵ nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội…
Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, LHQ đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.
Trong lĩnh vực hòa bình và an ninh quốc tế, đóng góp lớn nhất của LHQ là đã góp phần ngăn ngừa không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới trong 75 năm qua. Mặc dù vậy, nỗ lực của LHQ vẫn gặp nhiều khó khăn, đôi khi bế tắc, do những tính toán chiến lược về quân sự, chính trị nhất là của các nước lớn và sự bất ổn của môi trường an ninh quốc tế.
Trong lĩnh vực phát triển, LHQ với hệ thống các chương trình, quỹ trực thuộc, các tổ chức chuyên môn và các tổ chức liên chính phủ gắn với LHQ đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao đời sống của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho những tiến bộ về kinh tế và xã hội trên toàn thế giới.
Trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, LHQ cũng chú trọng việc bảo đảm thực hiện những quyền cơ bản này của người dân trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vấn đề quyền con người vẫn bị chính trị hóa, lợi dụng để can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia.
Trong lĩnh vực tăng cường luật pháp quốc tế, LHQ đã có những đóng góp to lớn trong việc phát triển luật pháp quốc tế, đưa ra khuyến nghị định hướng cho các chủ đề của luật pháp quốc tế và xây dựng chuẩn mực cho các lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Có thể thấy sau 75 năm hoạt động, Liên hợp quốc đã chứng tỏ là một tổ chức toàn cầu, đa dạng, có uy tín và quy mô rộng lớn nhất trong việc giải quyết, ngăn ngừa xung đột, gìn giữ nền hòa bình của nhân loại.
Ngày 24 tháng 10 năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 75 năm Ngày Liên hợp quốc. Lễ kỷ niệm năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều xáo trộn, đặc biệt là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra, với những thiệt hại nặng nề về kinh tế và những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội toàn cầu.
Để kỷ niệm Ngày Liên hợp quốc, một buổi hòa nhạc hàng năm thường được tổ chức tại phòng họp của Đại hội đồng LHQ. Năm nay, do dịch COVID-19, buổi hòa nhạc được ghi hình trước và chiếu tại phòng họp vào lúc 12 giờ trưa (giờ New York) ngày 22/10/2020. Sức mạnh của âm nhạc thể hiện sự cam kết và tin tưởng vào chủ nghĩa đa phương và tình đoàn kết toàn cầu. Bối cảnh hiện nay với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã nhắc nhở chúng ta một cách mạnh mẽ rằng, chúng ta cần liên kết chặt chẽ với nhau và chỉ bằng cách đoàn kết, làm việc cùng nhau, chúng ta mới có thể xây dựng khả năng phục hồi chống lại các đại dịch trong tương lai và các thách thức toàn cầu khác.
Trước đó, vào ngày 21/9, Phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ đã được tổ chức trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung cấp cao của Ðại hội đồng LHQ Khóa 75. Lãnh đạo và đại diện các nước đã nhấn mạnh về thành tựu to lớn của LHQ; khẳng định cam kết và sự tin tưởng đối với chủ nghĩa đa phương với LHQ là trung tâm; đề cao tôn trọng Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của các quốc gia, ngăn chặn xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp; bày tỏ mong muốn LHQ tiếp tục đóng vai trò trung tâm tăng cường đoàn kết quốc tế, thúc đẩy phát triển và bảo vệ quyền con người trên toàn cầu. Các nước cũng thẳng thắn nhìn nhận bối cảnh đầy thách thức hiện nay và những hạn chế của LHQ, kêu gọi cải tổ mạnh mẽ để LHQ có thể đáp ứng tốt hơn những nhiệm vụ và thách thức mới.
Nhân dịp này, LHQ đã ra tuyên bố nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, trong đó khẳng định các thách thức của thế giới đều liên quan mật thiết với nhau và chỉ có thể được giải quyết thông qua hệ thống đa phương mạnh mẽ, hướng tới xây dựng một thế giới công bằng và bền vững hơn. Tuyên bố nêu rõ đại dịch COVID-19 không chỉ gây nên sự chết chóc mà còn khiến kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, tình trạng đói nghèo và bất an gia tăng. Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh nhân loại đang vươn tới một thế giới bình đẳng hơn và phát triển bền vững hơn; kêu gọi thế giới đoàn kết vượt qua đại dịch và nâng cao năng lực ứng phó thách thức trong tương lai!./.