Liên hợp quốc triển khai kế hoạch hành động mới cho Libya 

(ĐCSVN) – Ngày 26/9, kế hoạch hành động mới của Liên hợp quốc cho Libya đã bắt đầu có hiệu lực với hội nghị các đại diện của hai Quốc hội đối lập diễn ra ở Tunis.
Liên hợp quốc triển khai kế hoạch hành động mới cho Libya

Libya đã rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi hồi năm 2011. Đại hội nhân dân toàn quốc (GNC – cơ quan lập pháp cũ của Libya) là Quốc hội đã mãn nhiệm của Libya song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của các nhóm quân Hồi giáo nổi dậy, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk ở miền Đông Libya.

Quốc gia Bắc Phi này rơi vào tình trạng có hai chính phủ và hai Quốc hội cùng tồn tại song song. Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã làm trung gian cho cuộc đối thoại giữa các phe phái đối địch, song nhiều cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên nhất trí.

Ngày 17/12/2015, tại thành phố nghỉ dưỡng Skhirat của Maroc, Quốc hội được quốc tế công nhận ở Libya và Đại hội nhân dân toàn quốc (GNC) đã ký thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc do Liên hợp quốc bảo trợ, song lãnh đạo hai Quốc hội đối lập này lại đều bác bỏ thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, theo kế hoạch hành động mới của Liên hợp quốc, hai phái đoàn sẽ phải sửa đổi thỏa thuận hòa bình trước đây để phá vỡ bế tắc và mở đường cho cuộc bầu cử.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị các đại diện của hai Quốc hội đối lập diễn ra ở Tunis, ông Ghassan Salamé, đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya, cho biết: "Tất cả người dân Libya đã chịu đủ rồi. (…) Họ đang chuyển đổi mà không có tương lai. Các thể chế đang ngủ yên cần phải được đánh thức, các thể chế bị chia rẽ phải được thống nhất và các thể chế quanh co phải được xây dựng lại".

Trước đó, hồi cuối tháng 7, ông Fayez Seraj, Thủ tướng chính phủ Libya tại thủ đô Tripoli được Liên hợp quốc bảo trợ và hậu thuẫn, và Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu lực lượng quân đội ủng hộ chính phủ ở miền Đông Libya, đã cam kết theo dõi tiến trình ngừng bắn và nỗ lực để tiến hành “cuộc bầu cử” càng sớm càng tốt.

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Ghassan Salamé bày tỏ mong muốn thỏa thuận hòa bình sẽ được sửa đổi nhanh chóng. Sau đó, đây sẽ là chủ đề của một cuộc hội nghị rộng hơn, điều này cũng sẽ dẫn đến việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp để chuẩn bị cho cuộc bầu cử.

Xung đột chính trị leo thang tại Libya trong thời gian qua đã buộc nhiều nhân viên ngoại giao các nước và hàng nghìn lao động người nước ngoài phải sơ tán hoặc quay trở về nước. Các cuộc giao tranh kéo dài nhiều ngày qua giữa các nhóm quân nổi dậy có vũ trang tại nước này cũng đã làm hàng nghìn người thương vong và phải rời bỏ nhà cửa./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, Reuters)

472 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1417
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1417
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88997870